Các nhà khảo cổ Ai Cập mới đây đã tìm thấy nhiều lối vào bí ẩn ở phía trên mặt vách đá trong thung lũng gần nghĩa địa hoàng gia cổ Umm Al-Qaab, ở sa mạc phía tây Abydos.

Phát hiện nhiều căn phòng bí ẩn 2.000 năm tuổi ở Ai Cập

20/07/2020, 16:24

Các nhà khảo cổ Ai Cập mới đây đã tìm thấy nhiều lối vào bí ẩn ở phía trên mặt vách đá trong thung lũng gần nghĩa địa hoàng gia cổ Umm Al-Qaab, ở sa mạc phía tây Abydos.

Một trong những căn phòng bí mật mới được phát hiện ở Ai Cập - Ảnh: Ancient Origins

Nhà khảo cổ học Mohammed Abd Al-Badea dẫn đầu nhóm khảo cổ Ai Cập đang tiến hành tìm kiếm bằng chứng về hoạt động của con người từ thời tiền sử đến hiện đại trong khu vực dài 8 km ở sa mạc phía tây thành phố Abydos. Theo đó, họ đã phát hiện ra một loạt các khe hở bí ẩn liên quan đến những căn phòng nằm trên mặt vách đá.

Ông Mostafa Waziri, Tổng thư ký Hội đồng Tối cao Khảo cổ học Ai Cập, nói rằng các khe hở là lối vào dẫn đến nhiều căn phòng đá. Một số khe hở chỉ dẫn đến một phòng, trong khi một số khác dẫn đến cụm hai, ba hoặc năm phòng. Các phòng nối với nhau bằng các ô hẹp khoét qua tường đá.

Đa số các phòng không cao quá 1,2 m, phần lớn không được trang trí mà chỉ chạm khắc hai nhân vật nhỏ và kỳ lạ nằm cạnh lối vào. Tuy nhiên, chúng có những hốc nông, bậc, rãnh hình tròn hoặc vết lõm dưới sàn. Một số phòng được khoét rộng ra từ đường hầm tự nhiên hình thành do nước chảy qua hàng nghìn năm.

Không có xác ướp được tìm thấy bên trong bất kỳ phòng nào, nhưng trong một căn phòng có dòng chữ ghi lại ba cái tên: Khuusu-n-Hor, mẹ của anh ta - Amenirdis, người bà Nes-Hor. Ngoài ra, một số đồ gốm cho thấy các phòng đá có thể tồn tại từ thời Ptolemaic, còn gọi là thời kỳ Ai Cập thuộc Hy Lạp, tồn tại từ năm 332 đến năm 30 trước Công nguyên.

Nhà nghiên cứu Matthew Adam của Viện Mỹ thuật Đại học New York, đồng giám đốc của nhóm khảo cổ, cho rằng các phòng nằm bên trong thung lũng linh thiêng của Abydos và có vị trí trên vách đá cao nên chúng có thể ẩn chứa nhiều ý nghĩa tôn giáo quan trọng.

Nằm gần thị trấn El Araba El Madfuna và Balyana, cách khoảng 11 km về phía tây của sông Nile, Abydos là một trong những thành phố lâu đời nhất và quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại. Thành phố rộng lớn này chứa hài cốt của hoàng gia Ai Cập sớm nhất. Theo thời gian, nó trở thành một trung tâm hành hương lớn thờ thần Osiris, vị thần của thế giới ngầm.

Long Hải (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện nhiều căn phòng bí ẩn 2.000 năm tuổi ở Ai Cập