Theo tạp chí khoa học Materials Science and Engineering, các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm thành công việc cấy ghép các miếng xương xốp bằng polyethylene (một loại nhựa nhiệt dẻo). Các thử nghiệm cho thấy 100% số mẫu cấy ghép ăn liền vào xương.
Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ trung tâm ung bướu Blokhin và nhà máy y cụ quốc gia Nga, các nhà khoa họcĐại học Công nghệ quốc gia Nga đã mô phỏng với chính xác cao các cấu trúc mô xương. Có thể thay thế hoàn toàn các khuyết tật xương giúp bắt đầu tái tạo xương và duy trì các chức năng tứ chi.
Việc thay thế một phần xương, hư hỏng do ung thư, chấn thương hoặc phẫu thuật, vẫn còn là một vấn đề lớn của ngành y thế giới. Chỉ riêng ở Nga hàng năm phải thực hiện hơn 70 ngàn ca phẫu thuật phục hồi xương, còn trên thế giới số ca đó lên đến hàng trăm ngàn.
Xét về độ bền tính trên trọng lượng thì sản phẩm xương polyethylene còn cao hơn cả thép. Do đó, nó rất phù hợp để sản xuất các miếng cấy ghép xốp mô phỏng chính xác nhất câu trúc mô xương.
Tuy nhiên, trọng lượng phân tử rất cao của polymer gây trở ngại cho việc sử dụng các phương pháp truyền thống để tạo ra các cấu trúc xốp (thường bằng cách tạo bọt). Nay với giải pháp thông minh, lần đầu tiên trên thế giới,các nhà khoa học Nga đã giải quyết được vấn đề để mô phỏng cấu trúc phức tạp của mô xương.
Vũ Trung Hương