Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Liverpool, Hoa Kỳ, đã phát triển loại polime hút CO2, một sản phẩm phụ của qui trình chu kỳ kết hợp khí hóa tích hợp (IGCC) chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch thành hydro, để sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Chất hấp thụ polime hữu cơ này có màu nâu, giống hạt cát và bao gồm một mạng lưới các phân tử cácbon liên kết. Việc sáng tạo ra loại polime mới này được lấy cảm hứng từ polystyrene, loại vật liệu có khả năng hấp thụ một lượng nhỏ CO2 từ khí quyển. Tương tự như vậy, loại polime mới này cũng hút CO2, nhưng hiệu quả hơn nhiều, bằng cách căng phồng lên để chứa chứa CO2 trong các vi lỗ giữa các phân tử của polime.
Hành động căng phồng lên, hấp thu khí ở xung quanh diễn ra khi vật liệu được tiếp xúc với môi trường áp suất cao, như trong qui trình IGCC. Tuy nhiên, khi áp suất giảm xuống mức bình thường, polime giải phóng CO2. Và CO2 này có thể được sử dụng trong các sản phẩm hóa học cácbon.
Cùng với việc ứng dụng trong qui trình IGCC, polime mới còn được sử dụng để lọc CO2 từ khí thải ống khói. Mặc dù có nhiều loại vật liệu khác đã được dùng cho mục đích này, nhưng polime mới này đặc biệt thích hợp, chủ yếu là vì chúng không hấp thụ hơi nước như một số vật liệu khác. Nếu polime hấp thụ hơi nước, các lỗ sẽ bị tắc, làm cho polime hoạt động kém hiệu quả.
Loại polime độc đáo này được sản xuất với chi phí tương đối rẻ, nhưng hoạt tính lại rất mạnh và có thể duy trì sau khi được "đun sôi trong axit."
Danh Thắng (theo NASATI)