Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là nhu cầu khách quan trong phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của vùng và có tính lâu dài, thành tựu đã có và khó khăn phía trước vẫn còn rất nhiều.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL

Văn Kim Khanh 17/08/2024 11:40

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là nhu cầu khách quan trong phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của vùng và có tính lâu dài, thành tựu đã có và khó khăn phía trước vẫn còn rất nhiều.

Tiền đề cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

cnc-10.jpg
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông-thủy sản và trái cây - Ảnh: T.P

Bà Hồ Thị Hà (Khoa Khoa học chính trị, Đại học Cần Thơ) cho rằng: “ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng diện tích khoảng 40.600km2; dân số khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi với đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy-hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên. Vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…”.

cnc-9.jpg
Sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Cũng theo bà Hồ Thị Hà, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được xem là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Mặt khác, NNCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Xác định rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu việt như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

cnc-3.jpg
Quýt hồng Lai Vung đạt năng suất và chất lượng tốt nhờ canh tác theo hướng hữu cơ - Ảnh: T.P

Những thành tựu phát triển nông nghiệp hướng công nghệ cao

ĐBSCL từ lâu là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, lúa gạo, thủy sản, trái cây đều có sản lượng lớn nhất cả nước. Nhờ áp dụng khoa học - công nghệ vào việc ươm và lai tạo giống, nhiều giống cây ăn quả cho năng suất và chất lượng cao đã ra đời. Trong việc áp dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản phải kể đến các cơ quan quan trọng góp phần lớn cho phát triển NNCNC vùng ĐBSCL, là: Viện Cây ăn quả Miền Nam; Viện Lúa ĐBSCL và Trường đại học Cần Thơ.

cnc-5.jpg
Canh tác lúa theo cách hướng hữu cơ, giảm phát thải ở Cần Thơ - Ảnh: H.X

Ngoài ra, khoa học công nghệ nông nghiệp từ nhân dân trong vùng cũng là một yếu tố quan trọng. Việc chế tạo ra những máy tuốt lúa, máy quạt lúa, máy sấy, máy gặt, máy chuyên chở lúa trên đồng… là sáng tạo của nông dân và thợ cơ khí. Từ năm 1968, khi có lúa Thần nông IR8, nông nghiệp ĐBSCL có bước chuyển quan trọng. Từ đó, nông nghiệp ĐBSCL đã có bước đột phá, cơ giới hóa, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng giống lúa mới ngắn ngày và cải tiến thu hoạch lúa cũng có bước tiến triển đáng kể.

cnc-7.jpg
Xoài Hòa Lộc chất lượng cao xuất khẩu - Ảnh: V.K.K

Những tiến bộ về khoa học công nghệ từ nhân dân trong nông nghiệp ĐBSCL đã có những thành quả như: giống bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa và 6 Ri, vú sữa Lò Rèn... Một số loại trái cây ngon, chất lượng cao, nổi tiếng tạo nên thương hiệu như nhãn tiêu, xoài cát (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cam sành Tam Bình (Vĩnh Long).

cnc-1.jpg
Cam sành Tam Bình là trái cây nổi tiếng ở ĐBSCL - Ảnh: Internet

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao xuất khẩu ở Long An đã áp dụng quy trình sản xuất chuối theo hướng công nghệ cao như: trồng từ cây giống nuôi cấy mô (khỏe, sạch sâu bệnh), chăm sóc theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, có lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và tự động hóa một số khâu trong thu hoạch nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới kín là một trong những hình thức canh tác theo hướng công nghệ cao của Lai Vung trước đây. Mô hình này đem lại hiệu quả tốt cho nông dân”. Đây là mô hình khá thành công đối với một số trang trại, cơ sở trên địa bàn vùng ĐBSCL. Dưa lưới được trồng trong điều kiện nhà kín, có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phương pháp sản xuất theo quy trình thủy canh đã đem lại năng suất và hiệu quả khá cao. Ngoài ra, Lai Vung còn áp dụng mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất như: trồng cây trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ đã cho năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha, doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha.

cnc-16-chu-khoi.jpg
Cánh đồng "Con tôm ôm cây lúa" ở Cà Mau - Ảnh: C.K

Những mô hình NNCNC thích hợp với môi trường sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh cây khóm ở huyện Tân Phước ( Tiền Giang) đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải ĐBSCL...

cnc-2.jpg
Những sản phẩm OCOP nông nghiệp là sản phẩm hữu cơ được ưa chuộng - Ảnh: T.P

Trong các năm qua, chương trình “Mỗi xã-phường một sản phẩm” được các địa phương chú trọng đã kích hoạt tài nguyên bản địa kết hợp với giá trị văn hóa địa phương. Nhiều sản phẩm nông nghiệp trong vùng đã xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản (dưa lưới, chuối), Hàn Quốc, UAE, Malaysia (chuối). Ngoài ra, các công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhiều siêu thị trong nước.

cnc-18(1).jpg
ĐBSCL luôn đối mặt với thiên tai, hạn mặn và biến đổi khí hậu - Ảnh: Internet

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, trong bối cảnh ĐBSCL còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu... nên kết quả còn hạn chế. Việc phát triển NNCNC đến nay chưa trở thành phong trào mạnh, chưa thực sự tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm mới, mang tính đặc thù, độc đáo; hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều; việc thu hút vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều thách thức; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao trong khi chưa đủ nhân lực.

cnc-13.jpg
Thu hoạch lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Cần Thơ - Ảnh: H.X

Tuy nhiên, trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã tích cực triển khai thực hiện phát triển NNCNC, kết quả khả quan là lúa, thủy sản, trái cây trong vùng đã tăng sản lượng, chất lượng, ngày càng có nhiều thị trường khó tính chấp nhận hàng hóa từ ĐBSCL. Đó là những tín hiệu lạc quan, niềm tin về NNCNC của vùng trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL