Michael Collins, phi hành gia trong sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của nhân loại, đã qua đời ở tuổi 91 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Phi hành gia Michael Collins trong sứ mệnh Apollo 11 lịch sử qua đời

Long Hải | 29/04/2021, 10:00

Michael Collins, phi hành gia trong sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của nhân loại, đã qua đời ở tuổi 91 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư.

michael.jpg
Michael Collins đã qua đời ở tuổi 91 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư

Gia đình đã chia sẻ tin tức trên trang Facebook cá nhân của Collins vào hôm thứ Tư sau khi ông ấy qua đời. Theo thông cáo của gia đình, Collins qua đời vì bệnh ung thư ở thành phố Naples, bang Florida, hưởng thọ 91 tuổi. 

"Chúng tôi rất tiếc phải chia sẻ rằng người cha và người ông yêu quý của chúng tôi đã qua đời ngày hôm nay, sau một trận chiến anh dũng với căn bệnh ung thư. Ông ấy đã trải qua những ngày cuối cùng một cách bình yên, có gia đình bên cạnh", thông báo viết.

NASA, nơi Collins đã trải qua 7 năm sự nghiệp của mình với tư cách là một phi hành gia, cũng đưa ra một tuyên bố về sự ra đi của ông.

"Hôm nay quốc gia đã mất đi một nhà tiên phong thực sự, người ủng hộ suốt đời cho việc khám phá những bí ẩn không gian - đó là phi hành gia Michael Collins. NASA tiếc thương sự mất mát của ông. Tinh thần của ông sẽ theo chúng ta khám phá những chân trời xa hơn", Giám đốc NASA Steve Jurczyk chia sẻ trong một tuyên bố.

michael-collins-apollo-11.jpeg
Collins thuộc nhóm phi hành đoàn thực hiện sứ mệnh Apollo 11 lịch sử

Collins thuộc nhóm phi hành đoàn thực hiện sứ mệnh Apollo 11 và được mô tả là "người đàn ông cô đơn nhất trong lịch sử". Ông đã ở lại một mình trong module chỉ huy trên quỹ đạo Mặt trăng suốt hơn 21 tiếng trong khi hai đồng nghiệp Neil Armstrong và Buzz Aldrin đáp xuống bề mặt của thiên thể, trở thành những người đầu tiên đi bộ trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

Mặc dù ít được công chúng nhớ tới hơn so với Armstrong và Aldrin, Collins viết trong cuốn tự truyện vào năm 1974 rằng ông hoàn toàn hài lòng với chiếc ghế mà mình có trên module chỉ huy, giúp hai đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ trên bề mặt Mặt trăng và đưa họ quay trở về Trái đất.

Phi hành đoàn Apollo 11 lịch sử nay chỉ còn Buzz Aldrin còn sống. Ông Neil Armstrong đã qua đời hồi năm 2012, thọ 82 tuổi. Trong bài đăng Twitter, Aldrin chia sẻ lời vĩnh biệt với người từng đồng hành cùng mình: "Mike thân mến, dù ông đã hoặc sẽ ở đâu, ông vẫn luôn mang ngọn lửa để đưa chúng tôi lên tầm cao mới và tới tương lai. Chúng tôi sẽ nhớ ông. Chúc ông an nghỉ".

apollo11.jpeg
Phi hành đoàn Apollo 11 với các phi hành gia Neil A. Armstrong, Michael Collins và Edwin E. Aldrin Jr. (từ trái sang phải)

Collins sinh ngày 31.10.1930 tại Rome, Ý. Sau đó, ông trở thành phi công của Lực lượng Không quân Mỹ. Collins nộp đơn vào NASA sau khi được truyền cảm hứng từ John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái đất, và được chọn trở thành phi hành gia năm 1963.

Chuyến bay vũ trụ đầu tiên của Collins là trong sứ mệnh Gemini 10. Ông là người Mỹ thứ ba thực hiện một cuộc đi bộ ngoài không gian. Theo NASA, nếu tính cả sứ mệnh Apollo 11 thì Collins đã có 266 giờ hoạt động trên vũ trụ.

Sau khi nghỉ hưu từ NASA vào năm 1970, Collins đã nhận một công việc trong Bộ Ngoại giao với tư cách là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Một năm sau, ông trở thành giám đốc của Bảo tàng Hàng không và Không gian quốc gia. Ông giữ vị trí này cho đến năm 1978 rồi từ chức để trở thành người dưới quyền của Viện Smithsonian.

Năm 1980, ông nhận chức Phó chủ tịch của LTV Aerospace. Ông đã từ chức năm 1985 và nghỉ hưu ở Florida, sống với vợ là Pat Collins cho đến khi bà qua đời năm 2014.

vinh-danh.jpg
Các phi hành gia huyền thoại Michael Collins, Neil Armstrong và Buzz Aldrin (từ trái sang) được vinh danh trong lễ kỷ niệm 40 năm sứ mệnh Apollo 11

Collins từng chia sẻ rằng sứ mệnh Apollo 11 là khoảng thời gian đáng tự hào nhất trong cuộc đời ông. Có thể Collins không có chỗ ngồi tốt nhất trên Apollo 11, nhưng ông hài lòng với những gì mình có. Ông cảm thấy rất vinh dự khi được ở đó.

"Chẳng hề cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi, tôi vẫn thấy mình là một phần của những gì đang diễn ra trên bề mặt Mặt trăng... Tôi không chối bỏ cảm giác đơn độc đó. Nó vẫn hiện hữu và được củng cố bởi việc mọi liên lạc vô tuyến với Trái đất đều đột ngột dừng ngay khi tôi biến mất phía sau Mặt trăng.

Tôi ngồi một mình, thực sự cô độc, tách biệt hoàn toàn khỏi mọi sự sống mà ta biết. Tôi chính là nó đó. Nếu tính toán, số liệu sẽ là ba tỷ cộng hai ở một phía Mặt trăng, và một cộng với thứ mà chỉ Chúa mới biết đang tồn tại ở phía này", đó là những lời Collins từng chia sẻ sau khi ông trở về từ Mặt trăng.

Niềm tiếc nuối lớn nhất của Collins là dành cho những người không thể có mặt ở đó - phi công đã chết trong các vụ tai nạn huấn luyện trên đường đi, các phi hành gia trên tàu Apollo 1 và bạn của ông là Charlie Bassett, người đã chết trong một vụ tai nạn máy bay...

Khi được Fox News hỏi rằng ông nghĩ nhiều về Apollo 11 hay không, phi hành gia Collins đáp: "Không thường xuyên lắm. Tôi sống một cuộc sống yên bình. Tôi sẽ đi bộ dọc theo con phố vào ban đêm, khi trời bắt đầu tối và tôi cảm nhận được thứ gì đó trên vai phải của mình, tôi nhìn lên và thấy mảnh bạc nhỏ chiếu sáng trên đó và nghĩ: Ồ, đó là Mặt trăng. Mình đã từng ở đó".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phi hành gia Michael Collins trong sứ mệnh Apollo 11 lịch sử qua đời