Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Harry Roque phàn nàn rằng khoản tiền viện trợ quân sự cho Manila của Mỹ chỉ như tiền lẻ so với các nước châu Á khác.

Philippines chê viện trợ quân sự của Mỹ như ‘tiền lẻ’

Hoàng Vũ | 16/02/2021, 12:01

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Harry Roque phàn nàn rằng khoản tiền viện trợ quân sự cho Manila của Mỹ chỉ như tiền lẻ so với các nước châu Á khác.

Viện dẫn nghiên cứu của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho thấy Philippines nhận 3,9 tỉ USD hỗ trợ chống khủng bố của Mỹ từ năm tài chính 2002 đến 2017, thấp hơn hẳn so với 16,4 tỉ USD cho Pakistan trong cùng kỳ, ông Roque cho biết: “Chúng tôi nhận được 3,9 tỉ USD. Đó có phải là một số tiền lớn không? Đó là tiền lẻ so với những gì các nước khác đang nhận được”.

rodrigo-duterte.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Internet

"Nếu chúng ta có quan hệ mạnh mẽ với một đồng minh mạnh mẽ, tôi nghĩ nó sẽ đi cùng với một khoản hỗ trợ tài chính lớn hơn", ông Roque cho hay.

Ông Roque khẳng định việc yêu cầu Washington trả tiền không phải tống tiền, mà là để bù đắp cho những rủi ro mà Manila gặp phải vì sự hiện diện của quân đội Mỹ.

"Vậy chúng tôi có làm đúng khi yêu cầu họ chi trả để duy trì sự hiện diện và thiết bị của họ tại đây không?” - Roque nói.

Những bình luận trên được xem là lời lý giải cho phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 12.2 khi yêu cầu Mỹ chi thêm tiền phí đóng quân để 2 bên có thể tiếp tục duy trì Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký từ hơn 20 năm trước.

"Tôi muốn thông báo rằng, từ giờ trở đi, nếu muốn binh sĩ Mỹ nào hiện diện ở đây và các ông muốn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được triển khai thì phải trả tiền", ông Duterte nói nhưng không nêu chi tiết về loại phí phải trả, hoặc cho biết Mỹ cần trả bao nhiêu.

Được ký năm 1999, VFA cho phép các lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở Philippines nhằm thực hiện các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo - một phần quan trọng trong Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines - Mỹ nhiều thập niên qua.

Năm ngoái, Tổng thống Duterte đã đơn phương thông báo sẽ hủy bỏ VFA sau khi một đồng minh của ông bị Mỹ từ chối cấp thị thực khiến thỏa thuận này chỉ kéo dài tới tháng 8.2020. Tuy nhiên, ông đột ngột tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ 2 lần vào tháng 6 và tháng 11 năm 2020, do đó thỏa thuận vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8 năm nay. Manila mô tả các động thái trì hoãn này là nhằm đàm phán điều kiện tốt hơn với Washington. Cuối năm 2020, ông Duterte còn “dọa” sẽ tiếp tục hủy bỏ VFA nếu Mỹ không sản xuất ít nhất 20 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Philippines.

Trước đó đó, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana bày tỏ rằng họ muốn duy trì VFA vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực các lực lượng của Philippines thông qua hàng chục cuộc tập trận chung với Mỹ hàng năm.

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức Mỹ - Philippines đã có cuộc thảo luận vào ngày 11.2 để giải quyết những bất đồng quan điểm về VFA - cuộc thảo luận đầu tiên dưới thời chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tái khẳng định giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh Philippines trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Cam kết này được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa ông Antony Blinken và người đồng cấp Philippines - Teodoro Locsin, người trước đó phản đối quyết định của Trung Quốc cho phép lực lượng tuần duyên nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài

Được biết, Mối quan hệ Mỹ - Philippines trở nên phức tạp từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016. Ông Duterte đã thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư và thường xuyên đưa ra tuyên bố lên án chính sách đối ngoại của Washington. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và dường như muốn gác lại các tranh chấp trên Biển Đông.

Duterte cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông, khôi phục đối thoại, cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Do đó “đối thoại, hòa bình và hợp tác” trở thành nguyên tắc cơ bản trong chính sách của chính quyền Duterte với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines liên tục khẳng định rằng Manila nên giữ bình tĩnh và theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trừ khi nước này "sẵn sàng tham gia một cuộc chiến”. Ông lý giải việc không thể làm căng với Trung Quốc do sẽ tạo ra bất lợi khi "bất đồng, tranh cãi với nước láng giềng", nhất là khi đó lại là một hàng xóm lớn mạnh hơn.

Bài liên quan
Lập vườn ươm để cứu san hô ở Philippines
AFP thông tin, một nhóm gồm các chuyên gia và người đam mê lặn biển đang lập vườn ươm tại địa điểm lặn nổi tiếng ở phía nam thủ đô Manila, Philippines để góp phần nhân giống, phục hồi san hô bị hư hại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Philippines chê viện trợ quân sự của Mỹ như ‘tiền lẻ’