Quan chức Bộ Lao động Philippines Alice Visperas ngỏ ý sẵn sàng nâng hạn mức nhân viên y tế (chủ yếu là y tá) sang Anh, Đức làm việc nếu hai nước châu Âu đồng ý tài trợ vắc xin COVID-19.
Y tá nằm trong số hàng triệu lao động Philippines ra nước ngoài làm việc – đem về lượng kiều hối hơn 30 tỉ USD/năm cho đất nước. Nước này đã nới lỏng lệnh cấm nhân viên y tế xuất khẩu lao động mặc dù thuộc số quốc gia có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất châu Á, tuy vậy vẫn giữ hạn mức 5.000 người/năm.
Trước đề nghị từ Philippines, Bộ Y tế Anh đã lên tiếng từ chối: “Chúng tôi không định chấp nhận đổi vắc xin để tuyển dụng thêm y tá. Anh sẽ chia sẻ lượng vắc xin dư thừa thông qua chương trình COVAX trong tương lai”.
Phía đảo quốc sương mù cho biết số lượng y tá làm việc cho Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) hiện nhiều hơn năm ngoái đến 11.000 người. Anh rất biết ơn 30.000 nhân viên NHS là người Philippines.
Hiện Đức chưa đưa ra phản hồi. Đức là nước có ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 10 thế giới, còn Anh có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 5 và đang phải chống chọi với biến thể vi rút mới.
Anh, Đức đã tiêm vắc xin cho tổng cộng 23 triệu người, trong khi Philippines vẫn chưa khởi động chiến dịch chủng ngừa.
Philippines chuẩn bị nhận vắc xin COVID-19 từ công ty Trung Quốc Sinovac Biotech vào tuần này. Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin nhưng lại quyết định không tiêm cho nhân viên y tế vì thử nghiệm ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỹ, Indonesia cho thấy độ hiệu quả thấp (50,4%).
Đối tượng tiêm vắc xin của Sinovac Biontech đầu tiên dự kiến là binh sĩ cùng một số người làm việc ở tuyến đầu chống dịch khác (trừ nhân viên y tế). Philippines sẽ mua vắc xin do Pfizer hợp tác BioNTech phát triển thông qua chương trình COVAX.