Kênh Netflix - đơn vị mua bản quyền phát hành trực tuyến bộ phim “Madam Secretary” cho rằng, cảnh được đề cập nằm trong bộ phim lên sóng từ năm 2014, đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu.

Phim Mỹ chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, Netflix nói gì?

06/06/2020, 11:15

Kênh Netflix - đơn vị mua bản quyền phát hành trực tuyến bộ phim “Madam Secretary” cho rằng, cảnh được đề cập nằm trong bộ phim lên sóng từ năm 2014, đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu.

Phố cổ Hội An được chú thích là của Trung Quốc trong phim "Madam Secretary" gây phẫn nộ.

Liên quan đến bộ phim “Madam Secretary” do đài CBS của Mỹ sản xuất, phát hành trên kênh Netflix - nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới chú thích hình ảnh phố cổ Hội An là “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc) gây xôn xao dư luận những ngày qua, phía Netflix tại Việt Nam cho biết: “Cảnh được đề cập nằm trong bộ phim “Madam Secretary” được mua bản quyền lên sóng từ năm 2014 và đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu. Nội dung này không có tại Việt Nam và tất cả sự trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật đều không phải là chủ ý”.

Giải thích thêm về điều này, phía Netflix cho rằng, bộ phim này không được trao bản quyền phát trực tuyến trên Netflix tại Việt Nam. Vì thế, thông tin Netflix đã gỡ bỏ bộ phim này khỏi hệ thống ở Việt Nam là không chính xác.

“Netflix có quan hệ đối tác với các nhà cung cấp nội dung để có được bản quyền phát trực tuyến cho các chương trình truyền hình và phim khác nhau. Chúng tôi cũng tự sản xuất hoặc mua lại bản quyền độc quyền để phát trực tuyến các nội dung như: “Trại giam kiểu Mỹ”, “Cậu bé mất tích”, “BoJack Horseman”, “Kimmy Bất bại”... Những sản phẩm này được gọi là tác phẩm của Netflix.

Trong tất cả các hợp đồng mua lại bản quyền để phát trực tuyến đều có những điều khoản quy định rất rõ về khu vực phát hành vì thế có phim được phát hành ở quốc gia này mà không được phát hành ở quốc gia khác”, phía Netflix cho biết.

NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, phim truyện vốn được mặc định là hư cấu. Tuy nhiên, hư cấu ở đây là hư cấu về câu chuyện phim, còn bối cảnh quay ở một địa danh cụ thể mà chú thích ở một địa danh khác rồi nói đó là “trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật” là không hợp lý.

“Anh không thể quay ở tháp Eiffel của Pháp mà nói quay ở Las Vegas của Mỹ, nghe rất buồn cười. Nếu dựng lại bối cảnh thì cũng phải chú thích rõ ràng là mô phỏng bối cảnh ở chỗ nọ, chỗ kia. Còn quay ở đâu phải chú thích ở đó, nhất là khi địa danh đó nổi tiếng trên thế giới. Nói “mượn địa điểm để ghi hình cho câu chuyện hư cấu của phim” cũng chỉ là một sự nguỵ biện khó lòng chấp nhận”, NSND Thanh Vân nói thêm.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, cả đơn vị sản xuất lẫn đơn vị mua bản quyền phát hành bộ phim cần phải có động thái rõ ràng về việc này và có sự điều chỉnh kịp thời. Bởi bất kỳ sự vi phạm nghiêm trọng nào về chủ quyền đều không thể chấp nhận.

Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ thêm, trên thực tế, rất khó để xác minh nhà làm phim đã ghi lại hình ảnh về Hội An lúc nào, bằng cách nào và mục đích đưa hình ảnh này vào trong phim. Có khả năng nhóm làm phim “Madam Secretary” đã ghi lại những hình ảnh tại Hội An khi đến nơi này theo tư cách khách du lịch. Mà nếu như vậy thì càng khó cho cơ quan quản lý vì không thể nào quản lý được việc họ ghi hình để lưu giữ lại làm kỷ niệm hay đưa vào sử dụng trong phim.

“Madam Secretary” ra mắt và phát hành mùa đầu tiên vào tháng 9.2014, khép lại bằng mùa thứ 6 vào tháng 12/2019. Những thước phim xoay quanh công việc và cuộc sống hàng ngày của nhân vật hư cấu - một nữ Ngoại trưởng Mỹ tên Elizabeth McCord. Nhân vật này từng làm việc cho cơ quan tình báo CIA, sau đó tham gia vào chính trường và được bổ nhiệm giữ chức vụ Ngoại trưởng.

Bộ phim này được nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới - Netflix mua bản quyền phát sóng từ đơn vị sản xuất. Điều đáng nói ở chỗ, khán giả Việt Nam sau khi tiếp cận bộ phim này đã phát hiện ra trong tập 4 của mùa phim đầu tiên, cụ thể là ở phút thứ 17 trong phim đã mắc lỗi sai trầm trọng khi chú thích một cảnh quay tại phố cổ Hội An là “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc). Hình ảnh này được đặt trong bối cảnh khắc họa một khu phố người Hoa, nơi diễn ra hoạt động “ngầm” của giới giang hồ. Sự việc sau đó được lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Theo Hà Tùng Long/Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phim Mỹ chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc, Netflix nói gì?