Cô ba Sài Gòn (The Tailor) của đạo diễn Lộc Trần và Kay Nguyễn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân sẽ tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22, từ ngày 12 đến 21.10. Tức là khán giả nước ngoài sẽ được xem trước khán giả Việt.
Trước đó, Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh tham gia một loạt liên hoan quốc tế khác rồi mới quay về chiếu tại Việt Nam. Động thái này dấy lên hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng tham dự liên hoan quốc tế là cách nâng giá cho phim tại thị trường trong nước. Phía khác cho rằng đó là cách để văn hoá Việt vươn ra thế giới.
Tăng giá trị của phim nhờ liên hoan quốc tế
Theo nhiều người chuyên môn, một bộ phim đã tham dự liên quan phim quốc tế, dù thắng hay bại cũng được truyền thông nhắc đến, khán giả sẽ tò mò muốn xem thử. Nếu phim giành chiến thắng hiệu ứng khán giả sẽ còn mạnh hơn gấp bội. Người ta sẽ cố xem nó hay dở thế nào mà thắng được giải.
Theo tâm lý thông thường, nhiều khán giả sẽ cẩn trọng lời bình phẩm khi xem một bộ phim đã từng đoạt giải ở nước ngoài. Bởi một lẽ đơn giản, giám khảo nước ngoài hẳn phải có trình độ cao và ho có lý do chính đáng để chấm điểm một bộ phim. Vì thế thay vì mạnh miệng khen chê, họ sẽ tập trung bình luận điểm mạnh của phim và bỏ bớt chi tiết không ổn. Lời khen truyền miệng là yếu tố quan trọng cho thành công doanh thu.
Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh làm được điều đó. Bộ phim chiến thắng một loạt giải tại các liên hoan phim quốc tế khu vực châu Á. Nhưng phim có nội dung khác xa với gu thưởng thức thuần tính giải trí, mạch phim chậm và nặng ngỡ rằng chỉ phù hợp với nhóm nhỏ đối tượng thích xem phim kiểu suy ngẫm và chiêm nghiệm sẽ không thu hút lượng người xem đông. Thế nhung đạo diễn Hồng Ánh xác nhận phim thành công về doanh thu.
Không biết là ngẫu nhiên hay có chủ ý Cô ba Sài Gòn đã áp dụng công thức này. Nghĩa là nhà sản xuất muốn sử dụng tiếng vang từ bên ngoài tạo sự tò mò chờ đợi từ khán giả trong nước.