Thật không có gì phiền lụy, rối rắm hơn bỗng dưng bị mất chìa khóa. Mất chìa khóa xe thì bó chân, mất chìa khóa phòng làm việc thì bó tay, mất chìa khóa nhà thì bó gối và nếu mất cả xâu chìa khóa thì… bó toàn thân.
Vậy thì phải nhanh chóng tìm ra một ông thợ sửa khóa, đánh chìa, năn nỉ ỉ ôi mời ổng tới hì hụi mở bằng hết các ống khóa đã mất chìa, trán vã mồ hôi, lòng dạ hồi hộp, căng thẳng chỉ mong sao ông thợ mở khóa được suôn sẻ, dễ dàng và bây giờ mới thấy hậu quả của việc sử dụng ống khóa xịn của Mỹ, của Ý để phòng ngừa kẻ trộm.
Đành chọn giải pháp sau cùng là… phá cửa. Nói tóm lại xâu chìa khóa rất quan trọng, nhưng nếu mất đi thì ông thợ sửa ống khóa, đánh chìa quan trọng hơn. Thợ sửa khóa ở Sài Gòn rất nhiều, đủ thành phần, đủ tuổi tác, đủ đẳng cấp về tay nghề và hầu như hành nghề ở khắp mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách.
Người mất chìa khóa mặt mày rầu rĩ, phóng xe tà tà dọc theo các con đường hễ thấy một chiếc xe đẩy gọn gàng, nhỏ bé, màu sơn cũ kỹ, lem luốc, trên treo lủng lẳng những chùm chìa khóa… tiếp thị ở nẻo đường, góc phố nào đó với ông thợ mặt mày sạm nắng, đầu đội nón kết đủ kiểu, quần áo phong trần ngồi dưới một cây dù che nắng che mưa thì đích thị đó là vị… cứu tinh của người mất chìa khóa.
Nhưng ở Sài Gòn về phía Chợ Lớn có hẳn một đoạn đường Phùng Hưng thuộc địa bàn quận 5, hình thành ra khu phố làm chìa khóa “hoành tráng”, ở đây không phải các ông thợ khóa ngồi sau chiếc xe đẩy tay trên đầu có cây dù che nắng che mưa mà là các gian hàng, quầy sạp, tiệm sửa khóa có bảng hiệu nối tiếp nhau như một phố nghề với những ông thợ khóa đủ mọi lứa tuổi tạo thành một hình ảnh rất đặc biệt, cho một nghề cũng rất đặc biệt giữa cảnh người mua kẻ bán tấp nập, xe cộ rộn ràng, phố xá sầm uất của vùng Chợ Lớn quận 5 mà người Việt, người Việt gốc Hoa và cả người Hoa nguyên gốc vẫn sống đan xen nhau theo bề dày thời gian và những cột mốc lịch sử định hình ra khu Chợ Lớn của Sài Gòn xưa và TP.Hồ Chí Minh ngày nay.
Cũng với đặc điểm một cộng đồng quần cư Việt - Hoa sinh sống đề huề của khu Chợ Lớn quận 5, phố chìa khóa Phùng Hưng bao gồm những ông thợ khóa người Việt và người Hoa đủ mọi lứa tuổi. Có người mới vào nghề được 5 năm, nhưng cũng có người hành nghề sửa khóa đã 30 năm như cụ Phát chủ gian hàng sửa khóa mang tên Hồng Phát. Có lẽ cụ Phát là một trong số ít thợ sửa khóa “lão làng” không chỉ ở phố chìa khóa Phùng Hưng mà cả ở Sài Gòn. Cụ Phát tóc bạc trắng, mắt hơi kém, tai hơi lãng nhưng “nghề” đánh chìa khóa phải nói là “tuyệt chiêu”, cánh thợ trẻ ở đây ít có người nào sánh bằng.
Theo lời cụ Phát thì ngày xưa thợ đánh chìa khóa bằng tay với dụng cụ thô sơ, một cái chìa khóa phải làm mất ít nhất là 20 phút nhưng nếu không có ống khóa kèm theo để thợ “rà” lại từng chi tiết thì khi về chủ nhân chưa chắc đã mở được. Bây giờ nhờ có máy cắt khóa nhập ngoại nên công nghệ đánh chìa khóa bằng máy nhanh hơn, chính xác hơn. Do đó người thợ đánh chìa khóa chỉ trong vòng 5-10 phút là xong với tiền công từ 10.000-30.000 đồng tùy theo loại chìa đơn giản hay phức tạp. Một người thợ chỉ riêng cho phần đánh chìa khóa hiện nay thu nhập một ngày cũng được 200.000-300.000 đồng. Nhưng cánh thợ trẻ, ngoài việc đánh chìa nếu làm ăn uy tín, mỗi ngày chạy sô đến nhà riêng mở khóa, đánh chìa mới cho chủ nhân khi có yêu cầu lại kiếm được nhiều tiền hơn nhờ sức khỏe và đôi mắt tinh tường hơn cánh thợ già. Anh P. 24 tuổi, một thợ đánh chìa ở phố Phùng Hưng, tay nghề chỉ có vài năm nhưng thu nhập khá nhờ chạy sô kiểu này.
Anh P. cho biết, khi tới tận nhà riêng mở ổ khóa bị mất chìa tiền công tăng gấp đôi, nhưng nếu gặp phải ổ khóa xịn, cơ cấu phức tạp có khi phải mất cả buổi trời mới mở được. Đặc biệt của nghề sửa khóa là cánh thợ già, tay nghề cao lại khó chọn đệ tử để truyền nghề. Một “lão làng” ở phố chìa khóa Phùng Hưng cho biết hầu hết thợ sửa khóa ở đây đều trong bà con họ hàng với nhau vì muốn trở thành thợ sửa khóa, điều cơ bản không phải là chí kiên nhẫn mà chính là lương tâm, đạo đức của người muốn học nghề.
Nếu chọn học trò là người ngoài, hoặc ngay trong thân tộc, họ hàng mà chọn lựa không kỹ, gặp người thiếu lương tâm thì khi thành thợ lành nghề đôi khi đệ tử “chân truyền” đó không phải là niềm hãnh diện cho thầy mà lại là tai họa, vì nếu thợ sửa khóa mà bụng dạ xấu thì khóa nào cũng mở được để… ăn trộm nhà người ta. Tôi đã có đôi lần tới phố sửa khóa Phùng Hưng nhờ làm lại… cả xâu chìa khóa bị mất. Nói chung cánh thợ ở đây đều nhiệt tình, niềm nở và lấy giá phải chăng chứ không vì gặp khách đang ở vào thế “chẳng có chọn lựa nào khác” mà thẳng tay bắt chẹt, chém đẹp. Nhưng trên hết, việc địa phương có sáng kiến vận động những người thợ sửa khóa gom lại thành một phố nghề ở đường Phùng Hưng quận 5 là một sáng kiến hay, giúp người dân khi chẳng may mất chìa khóa có một điểm đến an tâm, giải quyết nhẹ nhàng chuyện phiền toái mang tên… cái chìa khóa!
Quận Thụy/Duyên dáng Việt Nam