Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đất nước phát triển và tranh thủ những vận hội mới thì không thể không tăng cường tiềm lực KH-CN, và cũng chỉ KH-CN mới là con đường duy nhất để chúng ta có thể phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: KH-CN là con đường duy nhất để phát triển

Thu Anh | 17/05/2019, 17:16

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đất nước phát triển và tranh thủ những vận hội mới thì không thể không tăng cường tiềm lực KH-CN, và cũng chỉ KH-CN mới là con đường duy nhất để chúng ta có thể phát triển.

Tới tham dự Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa vào ngày 17.5 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Giải thưởng không chỉ mang ý nghĩa về khoa học mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn khi mang tên Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Chúng ta đã có nhiều nhà khoa học giỏi có kinh nghiệm, có uy tín và có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng”.

Kể từ lần trao giải đầu tiên vào năm 2016, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nói riêng và giới khoa học nói chung cũng đón nhận nhiều tin vui. Ví dụ như trong lĩnh vực vệ tinh vũ trụ cũng có rất nhiều những tiến bộ; về vật liệu, về CNTT… Việc này được đo đếm bằng các chỉ số quốc tế, trong đó có những công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.

Theo Phó Thủ tướng, trong 5 năm trở lại đây, số công trình khoa học tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Trong chỉ số đổi mới sáng tạo được chia làm 4 nhóm chỉ số; có hai nhóm chỉ số trực tiếp liên quan đến giới khoa học, hai chỉ số còn lại có liên quan đến thể chế của nền kinh tế nói chung.

Đánh giá một cách công bằng, Phó Thủ tướng cho rằng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, khi đầu tư còn rất hạn chế nhưng đã đạt được những kết quả nghiên cứu và được thế giới đánh giá ngang bằng với những nước có thu nhập đầu người và chi cho KH-CN nhiều hơn Việt Nam. Điều này phần nào nói lên trí tuệ và sự cống hiến của các nhà khoa học.

Các tác giả của 4 công trình xuất sắc đạt giải Trần Đại Nghĩa năm 2019 - Ảnh: BTC

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Cũng trong phần phát biểu, Phó Thủ tướng khẳng định để đất nước phát triển và tranh thủ những vận hội mới thì không thể không tăng cường tiềm lực KH-CN, và cũng chỉ KH-CN mới là con đường duy nhất để chúng ta có thể phát triển.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đổi mới sáng tạo quốc gia phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, xoay quanh đó là viện nghiên cứu, trường đại học, nhưng để doanh nghiệp làm trung tâm thì phải có cơ chế kinh tế. Cơ chế kinh tế ở đây là từ chính sách thuế, chính sách phân bổ nguồn lực, vốn, chính sách mua sắm, đấu thầu…

Phó Thủ tướng cũng trích dẫn số liệu cho thấy tỷ trọng đầu tư cho KH-CN trong ngân sách nhà nước giảm dần từ năm 2011. Chính từ điều này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể để tình trạng đầu tư cho KH-CN trong GDP của mình chỉ bằng 1/4 các nước khác. Không thể nói KH-CN là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, nếu không làm khoa học thì làm sao chúng ta có thể bứt lên được.

GS.TS Nguyễn Thị Lang phát biểu tại Lễ trao giải - Ảnh: BTC

Thực tế là người đánh giá công trình khoa học

Về phía các nhà khoa học, PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên (Viện Công nghệ Môi trường) - tác giả công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” - chia sẻ với các nhà khoa học: “Ngoài việc tập trung nghiên cứu những quá trình mới, phương pháp tiên tiến để có được các sản phẩm mới trong tương lai; chúng ta cũng rất cần quan tâm đến việc nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ đã có để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của thực tế”.

Theo PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, thực tế sẽ là người đánh giá và chấm điểm cho công trình một cách khách quan nhất. Kết quả tích cực của thực tế sẽ là động lực và đem lại niềm tin cho chúng ta trong sự nghiệp phát triển KH-CN.

Là tác giả của công trình đạt giải Trần Đại Nghĩa năm 2019, GS.TS. Nguyễn Thị Lang (Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL) cho rằng trong hoạt động khoa học, nhà khoa học luôn đứng trước ranh giới của sự kế thừa và sự sáng tạo ra cái mới.

Cụ thể, GS.TS Nguyễn Thị Lang phân tích: “Nếu không biết kế thừa những tinh hoa của quá khứ, chúng ta sẽ không thể tìm ra cái gì mới hơn cho phát triển trong hiện tại. Và nếu chỉ có trân trọng và kế thừa quá khứ mà không hề sáng tạo, chúng ta sẽ hổthẹn với tương lai vì không đáp ứng yêu cầu mới luôn luôn phát triển”.

Theo vị GS, lộ trình phát triển đến năm 2020, 2030 sẽ phải rất rõ ràng để các nhà khoa học có cơ hội đóng góp nhiều hơn. Với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, GS Lang cho biết mục tiêu quan trọng của ngành là nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, trên cơ sở KH-CN truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học, CNTT, từng bước đưa cây lúa đáp ứng cả hai mục tiêu chiến lược là an toàn lương thực và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước trong hội nhập quốc tế.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: KH-CN là con đường duy nhất để phát triển