Hồi tưởng về Sài Gòn 30/4, tướng Kỳ viết: "11 h 30 nhìn lên trời tôi thấy đầy máy bay Mỹ quần lượn. Điều đó cho biết cuộc di tản bắt đầu...”. 36 trực thăng đầu tiên xuất phát từ tàu Hancock ngoài khơi. Tiếp sau 81 chiếc.... Tất cả được bảo vệ bởi các phản lực từ căn cứ Takli (Thái Lan), Đoàn trực thăng Mỹ làm nhiệm vụ di tản 1.373 người Mỹ và 6.000 người VN...

Phụ lục cuối: Sài Gòn 30/4, di tản và tháo chạy

Một Thế Giới | 03/02/2015, 14:26

Hồi tưởng về Sài Gòn 30/4, tướng Kỳ viết: "11 h 30 nhìn lên trời tôi thấy đầy máy bay Mỹ quần lượn. Điều đó cho biết cuộc di tản bắt đầu...”. 36 trực thăng đầu tiên xuất phát từ tàu Hancock ngoài khơi. Tiếp sau 81 chiếc.... Tất cả được bảo vệ bởi các phản lực từ căn cứ Takli (Thái Lan), Đoàn trực thăng Mỹ làm nhiệm vụ di tản 1.373 người Mỹ và 6.000 người VN...

Phụ lục 10: Dương Văn Minh, trước giờ di tản trong tầm pháo
Phụ lục 9: Tổng thống Trần Văn Hương là một con số không
Phụ lục 8: Lá thư vay 3 tỉ đô la Nguyễn Văn Thiệu chặn bước tiến về Sài Gòn


Tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, nhận sắc lệnh “nghỉ dài hạn không lương” do Trần Văn Hương ký, Cao Văn Viên vội vã giao quyền xử lý thường vụ cho tướng Đồng Văn Khuyên vào chiều 28.4. Vài tiếng đồng hồ sau, ông Viên lặng lẽ phóc lên chiếc máy bay do Cơ quan Tùy viên quân sự của Tòa đại sứ Mỹ (DAO) cắt đặt để bay sang thủ đô Thái Lan trong bộ đồ dân sự, rồi thẳng qua Mỹ.

Vậy là Thiệu (tổng thống), Trần Thiện Khiêm (thủ tướng), Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng), ba viên tướng được Mỹ đỡ đầu nắm quyền lực chính trị và quân sự ngót 9 năm dài ở Sài Gòn đã nhanh chân chạy ra nước ngoài trước ngày 29/4/1975. 

Mờ sáng ngày đó, khi trận địa pháo của quân giải phóng rót cấp tập vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Von Marbod và phụ tá của ông là đại tá không quân Elwood Johnson nấp trong tòa nhà hình vuông của cơ quan DAO sát sân bay. Một tiếng nổ kinh hoàng làm ông bị điếc tai cả giờ và hất ông ngã nhoài. May sao bức tường gần đó đổ sụp không đè lên ông. Von Marbod tìm đến hội ý với đại sứ Mỹ Martin về cuộc di tản bắt buộc bằng con đường khác chứ không phải qua cổng Tân Sơn Nhất. 

Lúc đó pháo tầm xa vẫn trút đạn. Bồn xăng dành tiếp liệu cho máy bay phản lực trúng đạn nổ rầm trời và cuộn lửa lên cao. Nhiều chỗ trú ẩn bị đạn phá tung khiến một số binh lính bất chấp nghiêm lệnh chạy ào qua phi đạo, cố di chuyển về nơi an toàn hơn. Những sĩ quan cấp cao trong Bộ Tư lệnh Không quân lại đang chú tâm vào việc đến Văn phòng của DAO để xin di tản. 

Thấy vậy, viên Giám đốc Phòng Tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu Sài Gòn có mặt tại sân bay là đại tá Lê Văn Lương vội vã điện về Bộ tổng tham mưu xin ý kiến. Nhưng sĩ quan trực của Bộ tổng tham mưu bỏ đi đâu mất, chẳng một ai nhấc máy trả lời.

Ở đó, vào gần trưa 29/4, Nguyễn Cao Kỳ trên đường bay ra biển đã cho trực thăng đáp xuống dãy nhà nằm sâu bên trong Bộ tổng tham mưu và thuật lại: 

“Khu nhà này trước đây tấp nập người ra vào hàng nghìn sĩ quan và binh lính, giờ đây vắng ngắt. Tôi lên văn phòng Tổng tham mưu trưởng và thấy tướng ba sao Đồng Văn Khuyên (thay Cao Văn Viên)... Tôi cố gắng liên lạc với hải quân và các đơn vị khác nhưng chẳng kết quả gì... Tội nghiệp tướng Khuyên! Ông ta bơ vơ ngồi đó một mình! Đến 11 giờ 30 nhìn lên bầu trời Sài Gòn tôi thấy đầy máy bay Mỹ quần lượn. Điều đó cho biết cuộc di tản các viên chức Mỹ và Việt Nam bắt đầu”.

Như Kỳ đoán, trước 11 giờ trưa hôm đó, Tổng thống Ford hạ lệnh tiến hành cuộc hành quân “Operation Frequent Wind”. 

Theo Harry Thurk, 36 trực thăng đầu tiên xuất phát từ tàu Hancock đậu ngoài khơi. Các chiếc khác tiếp sau, tất cả là 81 chiếc nhằm hướng Sài Gòn bay tới. Được bảo vệ bởi các phản lực cất cánh từ căn cứ Takli (Thái Lan) đến, đoàn trực thăng Mỹ làm nhiệm vụ di tản được 1.373 người Mỹ và 6.000 người Việt Nam...

Chen chân đến Tòa đại sứ Mỹ vào xế chiều 29/4 có cả cựu thiếu tướng người Úc: Ted Sarong - từng làm cố vấn quân sự riêng cho Thiệu, cựu Đô trưởng Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu, nhân viên ngoại giao người Nhật Bản, Nam Hàn... Họ cố tìm cách lọt vào bên trong để lên sân thượng. 

Trần Văn Đôn, như đã nói, không chen nổi phải quay về. Cuối cùng nhờ một đường dây điện thoại hiếm hoi còn nối liền với Tòa đại sứ Mỹ, ông Đôn liên lạc và nói chuyện được với trùm CIA Polgar. Polgar dặn ông đến nhà riêng. Đến đó, cô thư ký của Polgar lại chỉ qua địa điểm khác: khách sạn Mỹ Lee Hotel. 

Tới lần thứ nhất, khách sạn đóng chặt cửa mà người chờ đợi để đi quá đông nên Trần Văn Đôn đành quay lại nhà Polgar. Lần thứ hai, cô thư ký Polgar là Hà Hiếu Lang, em đại tá Điệp nào đó xuất hiện nói nhỏ với ông hãy đến góc đường Hai Bà Trưng đợi. Rồi tất cả gồm con cháu, ông Đôn và đại tá Khấu, sĩ quan tùy viên của ông và ông lên xe chạy đến tòa nhà cao tầng của CIA nằm trên đường Lý Tự Trọng bây giờ. Họ được trực thăng bốc khỏi sân thượng lúc 7 giờ 30 tối 29/4. 

Sài Gòn 30/4, Vĩnh Lộc (trung tướng, tổng tham mưu trưởng một ngày vì vừa nhậm chức hôm 29.4), Trần Văn Trung (trung tướng, tổng giám đốc Nha Chiến tranh chính trị), Trần Ngọc Huyến (đại tá, nguyên chỉ huy trưởng Trường võ bị Đà Lạt)... cố theo đường sông ra khơi. 

Trung tướng Lê Văn Kim và một nhóm người thân gồm 120 người đến phi trường Tân Sơn Nhất nhưng không đi được vì đường băng bị pháo kích. Xuống chiến hạm Hancock có các “tẩu tướng” Ngô Dzu, Đặng Văn Quang cùng 2.000 người khác sang căn cứ Subic Bay của Mỹ ở Phi Luật Tân...

Sau ngày 30/4/1975, ban đầu Thiệu sống cùng vợ (bà Mai Anh) ở ngoại ô Luân Đôn nhưng sau ông ta dọn đi nơi khác vì bị các nhà báo “sưu tầm”. 

Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên cùng ở Virginia. 

Ngô Quang Trưởng làm việc cho Liên đoàn đường sắt Mỹ. 

Trần Văn Lắm sống ở Úc. 

Vương Văn Bắc qua Pháp. 

Hoàng Đức Nhã cộng tác với một công ty máy tính Mỹ. 

Đỗ Mậu viết hồi ký "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" xuất bản tại Mỹ với đoạn cuối nguyện buông bỏ hết thảy sân hận quá khứ và trích câu: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (đời người như chớp lòe trên không, có đó rồi không đó) của thiền sư Vạn Hạnh. 

Mai Nguyễn 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ lục cuối: Sài Gòn 30/4, di tản và tháo chạy