Phụ nữ vô sinh ngày càng nhiều và trẻ hóa. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là phụ nữ bị stress ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng rối loạn phóng noãn, không kích thích trứng lớn hoặc trứng rụng.
Dấu hiệu nào để biết phụ nữ có nguy cơ vô sinh?
Hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao. Theo thống kê, có tới 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Tình trạng nữ giới vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa.
Mới đây, vào cuối tháng 12.2023, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) thực hiện khám sức khỏe cho 154 cặp đôi đang chuẩn bị kết hôn, có tuổi đời trung bình chỉ từ 26 đến 27 tuổi đã phát hiện có đến 21% nữ giới bị thiếu máu, 4,6% bị u xơ tử cung, 2,6% có polyp lòng tử cung, 1,3% bị u bì buồng trứng… Đây chính là những căn bệnh có nguy cơ cao gây vô sinh ở nữ.
Phân tích về điều này, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho rằng về mặt khách quan là do hiện nay các chị em có thói quen quan hệ tình dục sớm cũng như kiểm tra chức năng sinh sản sớm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, chính là phụ nữ ngày nay bị căng thẳng, stress nhiều hơn trước đây.
“Hiện nay phụ nữ tham gia công tác xã hội, nhu cầu kiếm tiền, nhu cầu có địa vị, nhu cầu thăng chức… nhiều hơn so với trước đây. Điều này khiến cho tình trạng phụ nữ bị stress càng nhiều hơn. Khi phụ nữ bị stress dẫn đến tình trạng rối loạn phóng noãn, không kích thích trứng lớn hoặc trứng rụng dẫn đến không đậu thai”, bác sĩ Tuyết phân tích.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, thông thường các trường hợp vô sinh, hiếm muộn ở nữ thường được phát hiện muộn, và ít có triệu chứng rõ ràng.
Ngoại trừ những nguyên nhân rất đặc biệt đã biết chắc chắn bị vô sinh từ trước như: không có tử cung bẩm sinh, bất sản tử cung bẩm sinh, hoặc bất sản buồng trứng bẩm sinh; còn những trường hợp khác muốn biết vô sinh phải khảo sát, kiểm tra.
“Phụ nữ muốn biết mình có vô sinh hay không phải “thả” từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu phụ nữ trước 35 tuổi “thả” trong vòng 1 năm vẫn không có thai thì phải đi kiểm tra sớm để biết chính xác mình có bị vô sinh hay không”, bác sĩ Tuyết nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia sản phụ khoa cũng cho biết, có một số dấu hiệu cảnh báo vô sinh ở nữ thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố như: rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, ra máu bất thường, chu kỳ không đều; viêm nhiễm phụ khoa lâu ngày, tái đi tái lại. Khi gặp những trường hợp này, người bệnh cần thăm khám để phát hiện nguyên nhân và tiếp nhận điều trị sớm.
Mắc các bệnh lý nội khoa có nguy cơ gây vô sinh
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, nguyên nhân gây vô sinh ở nữ chiếm tỷ lệ lớn nhất là các bệnh lý về ống dẫn trứng, kế đến là hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, nội mạc tử cung, suy buồng trứng sớm (phẫu thuật, di truyền). Các bệnh lý về nội khoa như cường giáp, suy giáp, thiếu máu cũng dẫn đến vô sinh.
“Những phụ nữ mắc các bệnh cường giáp, suy giáp, thiếu máu hay bệnh lý tim mạch cần phải điều trị ổn. Nếu không điều trị ổn sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh. Khi phụ nữ bị cường giáp, suy giáp sẽ làm ức chế không rụng trứng. Khi đó, phụ nữ bị ức chế nội tuyến yên, ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng, ức chế rụng trứng”, bác sĩ Tuyết chia sẻ.
Đối với bệnh lý về ống dẫn trứng thì tắc ống dẫn trứng chiếm tỷ lệ vô sinh cao nhất, khoảng 40% trong các nguyên nhân gây vô sinh vô sinh ở nữ. “Việc tắc ống dẫn trứng chủ yếu liên quan đến phá thai không an toàn. Chính việc phá thai không an toàn, gây viêm nhiễm dẫn đến tắc ống dẫn trứng”, bác sĩ Tuyết nói.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều thói quen của phụ nữ cũng gây ra nguy cơ vô sinh như: quan hệ tình dục không an toàn, không dùng biện pháp tránh thai, dễ mắc các bệnh lây qua đường tình dục; thụt rửa âm đạo khi vệ sinh để vi khuẩn xâm nhập ngược dòng vào bên trong gây ra tình trạng viêm nhiễm…
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo chị em chỉ cần vệ sinh phụ khoa 1 lần/ngày, không nên rửa quá nhiều lần, bởi tổ chức niêm mạc rất mỏng manh, khi bị tác động bởi việc cọ rửa nhiều sẽ làm trầy xước niêm mạc âm đạo, dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng cao.
Nhiều người có thói quen dùng dung dịch vệ sinh cho vùng kín. Tuy nhiên, cách tốt nhất để vệ sinh vùng kín là sử dụng nước sạch, không nhất thiết phải dùng dung dịch vệ sinh. Chị em phụ nữ nên dùng dung dịch vệ sinh, nếu có chỉ định của bác sĩ để điều trị các bệnh lý viêm nhiễm, hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.