Trong các trường hợp nghe kém, điếc bẩm sinh được cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, có nhiều trường hợp có tiền căn mẹ chụp X-quang khi đang mang thai.

Phụ nữ chụp X-quang khi mang thai có thể sinh ra trẻ bị điếc bẩm sinh

Hồ Quang | 29/09/2022, 15:50

Trong các trường hợp nghe kém, điếc bẩm sinh được cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, có nhiều trường hợp có tiền căn mẹ chụp X-quang khi đang mang thai.

Thông tin trên được TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết tại Hội nghị khoa kỹ thuật nhân kỷ niệm 35 năm thành lập bệnh viện hôm nay (29.9).

Theo bác sĩ Minh, từ năm 1998 đến tháng 8.2022, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai cho cho 637 bệnh nhân, trong đó trẻ từ 2 đến 5 tuổi nhiều nhất, chiếm đến 59,3%, trẻ dưới 2 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất, khoảng 6,4%.

me-chup-x-quang-khi-dang-mang-thai-tre-bi-tre-bi-diec-bam-sinh-hinh-anh(1).png
Trẻ bị điếc bẩm sinh được phẫu thuật cấy ốc tai điện tử - Ảnh: PV

Các trường hợp bị điếc được phát hiện trước khi biết nói chiếm số lượng lớn, lên đến 92,8%. “Trong nhóm bệnh nhân này thường gặp nhất là mẹ nhiễm Rubella khi đang mang thai, chiếm đến 33,6%. Ngoài ra, bệnh viện còn phát hiện những trường hợp trẻ nghe kém có tiền căn do mẹ sốt phát ban khi mang thai, sinh non, đặc biệt có những trường hợp mẹ chụp X-quang khi mang thai”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Riêng những trường hợp bị điếc phát hiện sau khi biết nói, chiếm tỷ lệ 7,2%. Phần lớn những trường hợp này là do bị điếc đột ngột.

Từ thực tế trên, bác sĩ Minh khuyến cáo các bà mẹ phải tiêm ngừa đầy đủ trước khi mang thai và khám thai đầy đủ nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị điếc bẩm sinh.

Nghe kém là một trong những khuyết điểm về mặt giác quan thường gặp nhất, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khả năng hòa nhập của bệnh nhân. Đặc biệt ở trẻ em, những trẻ nghe kém ở mức độ nặng, sâu, nếu không được hỗ trợ sức nghe đầy đủ, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Minh, đối với những bệnh nhân nghe kém, tiếp nhận mức độ nặng hoặc sâu, đặc biệt cả 2 tai và không hiệu quả khi đeo máy trợ thính thì phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là lựa chọn tốt nhất giúp bệnh nhân nghe, nói và giao tiếp với xã hội.

Trước đây, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử chỉ chỉ định cho những bệnh nhân nghe kém tiếp nhận mức độ nặng hay sâu ở cả 2 bên tai. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của công nghệ sản xuất ốc ai điện tử cũng như các tiến bộ trong phẫu thuật, cấy ốc tai điện tử đã được chỉ định mở rộng cho cả những bệnh nhân khiếm khuyết thần kinh ốc tai, có bất thường cấu trúc tai trong, bệnh nhân nghe kém tiếp nhận một bên, bệnh nhân sau phẫu thuật sàn sọ bên…

Phân tích của bác sĩ Minh cho thấy phẫu thuật cấy ốc tai điện tử 2 bên giúp cho khả năng nhận biết lời nói trong môi trường yên tĩnh và môi trường ồn ào cùng khả năng định hướng chính xác vị trí của âm thanh tốt hơn những bệnh nhân phẫu thuật cấy ốc tai 1 bên.

Đối với việc phục hồi ngôn ngữ, bác sĩ Minh cho biết, sau khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thì bệnh nhân phục hồi ngôn ngữ rất khả quan.

“Trong số các bệnh nhân được chúng tôi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử trong hơn 20 năm qua, có đến 63,9% bệnh nhân sau 1 năm đạt kết quả theo thang điểm CAP là từ 4-5 điểm; 29,3% bệnh nhân đạt 6-7 điểm. Như vậy, kết quả phục hồi ngôn ngữ của bệnh nhân là rất khả quan. Hiện các bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được huấn luyện ngôn ngữ bởi các chuyên gia huấn luyện nghe, nói để có thể đạt kết quả tốt nhất, hòa nhập với gia đình và xã hội”, bác sĩ Minh cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ chụp X-quang khi mang thai có thể sinh ra trẻ bị điếc bẩm sinh