Các nước thành viên G20 đang vấp phải một loạt chỉ trích về việc không lên án vai trò của của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Phương Tây ‘dễ dãi’ với Nga để cứu vãn G20

Hoàng Vũ (theo Politico) | 10/09/2023, 21:25

Các nước thành viên G20 đang vấp phải một loạt chỉ trích về việc không lên án vai trò của của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Politico, trong khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali năm ngoái đã “lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây đau khổ lớn cho con người và làm trầm trọng thêm sự mong manh sẵn có trong nền kinh tế toàn cầu…”, tuyên bố chung mới nhất ở New Delhi (Ấn Độ) khẳng định lo ngại về xung đột tại Ukraine, song không chỉ trích Nga.

376372725_240785568952689_1033148911356734107_n.jpg
Phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 9.9 tại New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: (ANI)

Văn bản này kêu gọi "mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc", phản đối việc "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của quốc gia khác".

Tuyên bố chung cũng thừa nhận vấn đề Ukraine vẫn tồn đọng "những quan điểm và đánh giá khác nhau" giữa các thành viên G20, song đều đồng thuận lập trường phản đối chiến tranh.

Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho rằng quyết định của G20 “không có gì đáng tự hào” khi không nêu đích danh Nga trong tuyên bố chung.

Svitlana Romanko, người sáng lập và giám đốc của nhóm thân Ukraine Razom We Stand, gọi thông cáo này là “yếu đuối” và “khi thậm chí không chỉ trích trực tiếp Nga hay các vi phạm của nước này tại Ukraine”.

Trong khi đó, Nga nhận định tuyên bố chung của G20 phản ánh cân bằng mọi khía cạnh, sau khi văn bản này thừa nhận vấn đề Ukraine tồn đọng "những quan điểm và đánh giá khác nhau". "Tất cả thành viên G20 đã thống nhất hành động chung vì lợi ích hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột trên toàn thế giới. Mọi thứ đã được phản ánh cân bằng", Svetlana Lukash, đại diện của Nga tại thượng đỉnh G20 của Nga, cho biết.

Theo bà Lukash, sự kiện tại Ấn Độ năm nay là một trong những hội nghị thượng đỉnh G20 khó khăn nhất trong lịch sử gần 20 năm khi phải mất gần 20 ngày để đạt đồng thuận về tuyên bố chung trước hội nghị và 5 ngày tại sự kiện. "Điều này phản ánh không chỉ một số bất đồng về vấn đề Ukraine, mà còn do khác biệt về quan điểm trong tất cả chủ đề trọng tâm, đặc biệt là biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các hệ thống sử dụng năng lượng carbon thấp", bà nói.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng lên tiếng bảo vệ tuyên bố chung nói trên, trong đó Thủ tướng Anh Rishi Sunak ca ngợi tài liệu này là một “kết quả tốt và mạnh mẽ”.

“Đây là điều tốt và là một thành công sau một thời gian dài không chắc chắn là chúng ta có thể tiến xa đến mức này”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh G20.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan gọi tuyên bố của G20 là một “cột mốc quan trọng” và nói rằng đó là “một cuộc bỏ phiếu tin tưởng rằng G20 có thể cùng nhau giải quyết một loạt vấn đề cấp bách”.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Chúng tôi không gặp bất kỳ vấn đề nào khi cùng nhau đưa ra tuyên bố chung - nó không thay đổi quan điểm của chúng tôi”. 

G20 - được thành lập cách đây gần một phần tư thế kỷ nhằm đưa các nền kinh tế đang phát triển tham gia vào cuộc thảo luận quốc tế về tăng trưởng toàn cầu, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững - đang cố gắng giải quyết những quan điểm khác nhau về cuộc chiến tại Ukraine bằng cách hướng tới một tiếng nói chung.

Các nhà phân tích cho rằng, với sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chọn không lên án Nga một cách công khai hơn để cứu vãn G20. Tuyên bố G20 năm nay có ngôn ngữ dịu đi đáng kể so với tuyên bố năm 2022 tại Indonesia khi đề cập xung đột Nga - Ukraine. Quyết định chiến lược này được cho là để đảm bảo sự đồng thuận và liên kết của G20.

“Có những dấu hỏi xung quanh tương lai của G20. Nhưng tôi nghĩ sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ấn Độ đã bảo vệ G20”, một quan chức cấp cao của EU nhận định.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer nói với báo giới: “Hội nghị thượng đỉnh năm nay cho thấy G20 vẫn có thể đưa ra các giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất”.

Một quan chức tham gia đàm phán tuyên bố chung cho Politico biết: “Khác với năm ngoái, mọi câu trong văn bản này đều được mọi người ủng hộ”.

“Thượng đỉnh G20 ở Bali tập trung vào việc nêu rõ quan điểm của các phe khác nhau. Điều này ít xảy ra hơn ở New Delhi”, một quan chức phương Tây khác nói với Politico.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm CH Dominicana
Rạng sáng 16.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm Cộng hòa Dominicana.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây ‘dễ dãi’ với Nga để cứu vãn G20