Hiện có 2 luồng ý kiến, là đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước, và đề nghị giữ tên cũ của luật là Luật Căn cước công dân.

Quan điểm khác nhau về tên gọi của luật về căn cước

Lam Thanh | 28/08/2023, 11:06

Hiện có 2 luồng ý kiến, là đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước, và đề nghị giữ tên cũ của luật là Luật Căn cước công dân.

Tại hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách sáng 28.8, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Về tên gọi, ông Tới cho biết có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo luật. Thường trực ủy ban đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo luật mà Chính phủ trình.

can-cuoc-1.jpeg
Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo luật do Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực ủy ban đã chuyển điều này về chương 3 (Điều 30), đổi tên chương 3 thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý điều 5, chỉnh sửa toàn diện điều 30 như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam…

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh kiến nghị cần tăng cường đầu tư, năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo vệ an toàn ở mức tối đa.

Thường trực ủy ban cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật mà Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Tuy nhiên, đây là nội dung các vị ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực ủy ban đề nghị ĐBQH cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đồng tình với tên gọi Luật Căn cước công dân. Đại biểu cho rằng, luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.

Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước.

Theo đại biểu Nga, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

can-cuoc-4.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Bà Nga cho rằng người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa…

“Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội”, bà Nga nói.

Đại biểu Nga nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói mặc dù một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Theo đại biểu Hòa, việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của nhiều người.

Mặt khác, theo ông Hòa, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, đại biểu Hòa cho rằng việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

can-cuoc-3.jpeg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, đến nay dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện.

Bàn thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề tên luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Luyến thống nhất gọi tên luật là Luật Căn cước, bởi các đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này gồm có người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.

Đại biểu Luyến cho rằng cần giải thích rõ về khái niệm “người gốc Việt Nam” trong phần giải thích từ ngữ. Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận sang, ta có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không? Đại biểu cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan điểm khác nhau về tên gọi của luật về căn cước