Các chỉ huy của quân đội Myanmar thông báo ngày 13.5 rằng họ tuân theo lệnh của chính phủ dân cử mới tại Myanmar do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Thông báo của quân đội Myanmar được đưa ra giữa lúc có những tin tức cho thấy sự căng thẳng giữa hai phe quân đội và chính phủ Myanmar.
Quan hệ giữa quân đội Myanmar và bà Aung SanSuu Kyi được xem là chìa khóa để ổn định đất nước, sau hơn 5 thập niên giớiquân phiệt nắm quyền.
"Chúng tôi không có lý do gì để từ chối sự lãnh đạo của chính phủ do dân bầu", Tổng chỉ huy quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở của quân đội ở thủ đô Naypyitaw.
Quân đội Myanmar trên thực tế vẫn là tổ chức nắm rất nhiều quyền lực tại quốc gia Đông Nam Á này. Sau hơn 50 năm cai trị đất nước, quân đội Myanmar trao quyền cho một chính quyền liên hiệp vào năm 2011 và thừa nhận chiến thắng của bà San Suu Kyi trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2015.
Bà San Suu Kyi đã kiểm soát hoàn toàn chính quyền Myanmar, dù theo hiến pháp của nước này bà không thể trở thành tổng thống, chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị tại Myanmar.
Ngay trong tuần đầu tiên Myanmar thành lập chính phủ mới, các nghị sĩ thuộc quân đội đã tẩy chay các dự thảo luật được trình lên quốc hội, dự thảo định traocho bà San Suu Kyi một vai trò cực lớn trong chính quyền.
"Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo của chính phủ. Điều này phù hợp với các quy định của hiến pháp", ông Aung Hlaing nói khi được hỏi về mối quan hệ giữa quân đội với đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền.
Chỉ huy quân đội Myanmar nói rằng quân đội nước này thường xuyên báo cáo các thông tin quan trọng cho Tổng thống Htin Kyaw, người được xem là "cánh tay phải" của bà San Suu Kyi. Ngoài ra, quân đội Myanmar cũng phải chịu sự quản lý của chính phủ về vấn đề ngân sách.
Theo hiến pháp được sửa đổi của Myanmar vào năm 2008, bà San Suu Kyi không thể thành tổng thống bởicó 2 con là người mang quốc tịch nước ngoài.
Thiên Hà (theo Reuters)