Tổng thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe, đang bị quản thúc tại nhà riêng ở thủ đô Harare sau khi quân đội thực hiện một vụ binh biến, đẩy đất nước ở khu vực phía nam châu Phi vào tình trạng khủng hoảng chính trị.
Sau nhiều giờ không có thông tin về tình trạng của ông Mugabe, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp 93 tuổi. Tổng thống Zuma xác nhận ông Mugabe đang ở nhà riêng và vẫn khỏe. Hiểu theo cách khácthì ông Mugabe đang bị quản thúc tại gia nhưng vẫn được quân đội đảm bảo an toàn.
Trong cuộc binh biến sớm thứ Tư, quân đội Zimbabwe đã giành được quyền lực một cách hiệu quả bằng cách kiểm soát các văn phòng của Mugabe, quốc hội, sân bay và đài phát thanh quốc gia. "Robert Mugabe và an toàn của gia đình ông được đảm bảo", một phát ngôn viên của quân đội Zimbabwe nói đồng thời cho biết quân đội chỉ hành động để chống lại những phần tử tội phạm bên cạnh ông Mugabe.
Các hành động này diễn ra hai ngày sau khi viên tướng cấp cao Constantino Chiwenga cảnh báo Mugabe quân đội sẽ "vào cuộc" nếu ông tiếp tục khai trừ mọi người khỏi đảng cầm quyền, bao gồm cả Mnangagwa. Giới quan sát cho rằng ông Mugabe đang làm mọi cách để dọn đường cho vợ mình lên nắm quyền. Do vậy, quân đội Zimbabwe đã không ngần ngại ám chỉ họ muốn thanh trừng "những phần tử tội phạm bên cạnh ông Mugabe.
Tuy vậy, đã xuất hiện tiếng nói chĩa mũi dùi vào phía Tổng thống Mugabe, người cầm quyền Zimbabwe suốt 4 thập niên qua. Tổng thư ký Hiệp hội cựu chiến binh quốc gia, ông Victor Matemadanda, cho biết ông Mugabe phải bị phế truất khỏi cương vị tổng thống Zimbabwe cũng như vai trò người lãnh đạo đảng cầm quyền Zanu-PF. Ông Matemadanda là đồng minh quan trọng của quân đội cũng như cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người đã bị Mugabe sa thải hồi tuần trước.
Đã có những e ngại rằng sau khi vô hiệu hóa chính quyền Mugabe thì Zimbabwe cũng không được hưởng nền dân chủ thật sự khi quân đội can dự vào chính quyền. Tổng thống Nam Phi Zuma kêu gọi quân đội của Zimbabwe không tạo ra những"thay đổi vi hiến với chính phủ ".
Phát biểu với tư cách Chủ tịch Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), Zuma yêu cầu quân đội và chính phủ cần "giải quyết bế tắc một cách thân thiện bằng giải pháp chính trị", trong khi kêu gọi các bên "bình tĩnh và kiềm chế". Ông Zuma cho biết SADC đã cử hai phái viên đặc biệt tới Zimbabwe, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi và Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia để gặp gỡ Mugabe và phe quân đội.
Phát ngôn viên của quân đội Sibusiso Moyo đã lên tiếng trấn an: "Chúng tôi muốn nói rõ rằng đây không phải là một vụ đảo chính để tiến tới thành lập chính phủ quân sự" mà quân đội chỉ "nhắm mục tiêu" vào những người "gây tổn thương cho xã hội và kinh tế". Đồng thời, Moyo cam kết: "Ngay khi chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của mình, chúng tôi hy vọng rằng tình hình sẽ trở lại bình thường". Theo giới quan sát, kịch bản đẹp nhất để kết thúc khủng hoảng tại Zimbabwe là ông Mugabe từ chức và phó Tổng thống vừa bị sa thải Mnangagwa lên nắm quyền.
Vào lúc này, bầu không khí ở thủ đô Harare rất căng thẳng, với xe tăng tuần tra thành phố. Quân đội đã tước vũ khí của cảnh sát. Theo Reuters, ngày 15.11, một nguồn tin quân đội cho biết quân đội Zimbabwe đang kiểm soát một kho vũ khí của đơn vị hỗ trợ cảnh sát bán quân sự ở thủ đô Harare và đã tước vũ khí của các cảnh sát tại đây.
Nguồn tin này cho hay: "Lúc này, họ đang kiểm soát toàn bộ kho vũ khí, các cổng và các lối ra vào khu trại này. Đường Arcturus, con đường dẫn tới khu trại, đã bị phong tỏa và toàn bộ Đơn vị Hỗ trợ đã bị tước vũ khí". Văn phòng của Mugabe và quốc hội đã bị các lực lượng an ninh phong tỏa. Hàng trăm người Zimbabwe đang xếp hàng tại các ngân hàng để rút tiền. Rất may, tình trạng cướp bóc chưa xảy ra.
Đại sứ quán Mỹ đã yêu cầu công dân Mỹ tại Zimbabwe "tìm nơi an toàn" và tuyên bố đóng cửa đại sứ quán vì không chắc chắn về tình trạng an ninh. Anh cũng khuyên người dân của họ phải ở nhà. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, Catherine Ray, nói: "Diễn biến gần đây ở Zimbabwe là" vấn đề quan tâm "đối với Liên minh châu Âu.
A.T