Cuộc gặp gây tranh cãi giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng trước dường như đã lắng xuống.
Tuy nhiên, theo Washington Post, những diễn biến ngoại giao mới nhất, đặc biệt là tại vòng đàm phán ở Ả Rập Saudi tuần này, cho thấy con đường phía trước cho quan hệ Mỹ - Ukraine và tiến trình hòa bình tại Ukraine vẫn còn nhiều chông gai.
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và tín hiệu trái chiều
Ngày 26.3, Nga và Ukraine đã đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn hạn chế trên Biển Đen. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Mỹ nối lại hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv. Tuy vậy, cả hai bên đều phát đi những tuyên bố khác nhau về thỏa thuận, phản ánh sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm và cách tiếp cận.
Giới quan sát nhận định, mặc dù đã có sự tiến triển nhưng các bên vẫn chưa giải quyết được những bất đồng mang tính cốt lõi. Nhà phân tích Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Ukraine cho biết: “Một lệnh ngừng bắn, dù phần nào thành công, không thể đảm bảo một giải pháp toàn diện và bền vững”.
Quan hệ Mỹ - Ukraine: Hợp tác thận trọng dưới thời ông Trump
Từ vị thế đồng minh gắn bó trong giai đoạn đầu xung đột, quan hệ giữa Kyiv và Washington đang trải qua quá trình thay đổi đáng kể dưới ảnh hưởng của chính quyền mới tại Mỹ.
Tổng thống Trump cùng Phó tổng thống JD Vance từng công khai chỉ trích Tổng thống Zelensky trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục, cáo buộc ông “vô ơn” và “thiếu tôn trọng”. Sau đó, ông Trump còn gọi ông Zelensky là “diễn viên hài tầm thường” và “nhà lãnh đạo không có bầu cử”.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin kéo dài hơn hai giờ. Tuy nhiên, ông Zelensky chỉ nhận được cuộc gọi ngắn từ Trump vào hôm sau, khiến nhiều nghị sĩ Ukraine bày tỏ lo ngại.
“Việc không có liên lạc ngay lập tức là điều khó hiểu, nhất là khi cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Putin liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Ukraine”, nữ nghị sĩ Inna Sovsun nói.
Mục tiêu khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo
Ông Zelensky theo đuổi các mục tiêu bao gồm đảm bảo an ninh, khôi phục lãnh thổ. Trong khi đó, ông Trump thể hiện mong muốn kết thúc nhanh chóng cuộc chiến, dù phải thỏa hiệp. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng phối hợp chiến lược giữa hai bên.
Chính trị gia Ukraine Volodymyr Ariev nhận định: “Tổng thống Trump không phải là người dễ quên. Những gì xảy ra tại Phòng Bầu dục sẽ để lại dư âm dài lâu. Họ đang cố khắc phục hậu quả, nhưng rất khó để xây dựng lại lòng tin”.
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Ả Rập Saudi cũng khiến nhiều nhà lập pháp Ukraine lo ngại. Theo họ, nội dung thỏa thuận mang lại lợi ích rõ rệt hơn cho Nga như việc mở cảng biển, trong khi Ukraine chỉ nhận được cam kết trao đổi tù nhân chiến tranh.
Mặt khác, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực. Nga cáo buộc Ukraine phá hoại kho dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng trong khi Kyiv tiết lộ Moscow tiến hành nhiều cuộc không kích gây ra nhiều thương vong tại Zaporizhzhia và Sumy.
“Chúng tôi đang đề xuất một lệnh ngừng bắn vô điều kiện từ ngày 11.3, Nga cần là bên rút lui. Nga phải bị buộc chấm dứt không kích”, Tổng thống Zelensky phát biểu hôm 23.3.
Áp lực nội bộ và niềm tin của công chúng
Đối mặt với thay đổi từ phía Mỹ, ông Zelensky đang nỗ lực giữ vững vị thế ngoại giao trong khi duy trì lòng tin từ người dân Ukraine. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 80% người dân tin rằng dù không còn được Mỹ hỗ trợ, Ukraine vẫn nên tiếp tục kháng chiến.
Serhiy Taruta - cựu Thống đốc vùng Donetsk - nhận định: “Ông Zelensky hiểu rằng quan hệ tốt với Mỹ rất quan trọng, nhưng ông cũng không thể bỏ qua lợi ích cốt lõi của Ukraine. Đây là một hành trình phức tạp, không có lựa chọn dễ dàng”.
Sau cuộc gặp căng thẳng tại Nhà Trắng, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Ukraine tăng 10%, cho thấy người dân ủng hộ lập trường kiên định của ông.
Một quan chức cấp cao Ukraine nhận định: “Ông Zelensky không thể nhượng bộ quá mức để làm hài lòng Tổng thống Trump.
Tổng thống Ukraine bày tỏ quan ngại về phát biểu của đặc phái viên Mỹ
Mối quan hệ giữa chính quyền Trump và Nga cũng là chủ đề gây tranh cãi. Trong cuộc phỏng vấn với cựu MC Tucker Carlson, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff ca ngợi mối quan hệ “tốt đẹp” giữa Tổng thống Trump và ông Putin.
Ông Witkoff cho rằng “Tổng thống Putin rất tôn trọng ông Trump” và từng tặng ông một bức chân dung. Tuy nhiên, khi nói về ông Zelensky, giọng điệu của ông Witkoff thay đổi đáng kể. Ông cho biết thái độ của ông Zelensky tại Phòng Bầu dục là “thiếu tôn trọng” và đây không phải là cách tốt để xây dựng mối quan hệ.
Theo RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 26.3 đã bày tỏ lo ngại trước những phát biểu gần đây của ông Witkoff, cho rằng các tuyên bố của ông này có thể gây bất lợi cho nỗ lực ngoại giao của Kyiv.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với các đài truyền hình châu Âu, trong đó có France 2, ông Zelensky cho rằng ông Witkoff "nhiều lần trích dẫn quan điểm tương đồng với lập luận của Nga", đồng thời nhận định điều này "khó có thể giúp ích cho tiến trình hòa bình".
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng "việc làm giảm sức ép từ phía Mỹ đối với Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực ngoại giao chung", và cho biết Kyiv đang tìm cách ứng phó thông qua các hành động cụ thể trên thực địa và trong không gian thông tin.
“Chúng tôi đang chiến đấu với Nga, và thật khó khăn nếu có thêm những thông điệp làm phức tạp vị thế của chúng tôi trên bàn đàm phán”, ông Zelensky nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Ukraine, ông Oleksandr Merezhko, gọi đây là “những phát ngôn đáng quan ngại” và bày tỏ hy vọng chính quyền Mỹ sẽ cân nhắc lại vai trò của ông Witkoff trong các cuộc tham vấn liên quan đến Ukraine.
Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lại đánh giá tích cực phát biểu của ông Witkoff, cho rằng nhà ngoại giao Mỹ “đã nắm bắt rõ bản chất cuộc xung đột”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình Nga, ông Lavrov nhận định: “Dựa trên những gì ông ấy chia sẻ với Tucker Carlson, rõ ràng ông Witkoff đã có góc nhìn thấu đáo về tình hình”.
Hiện tại, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra phản hồi chính thức về những bình luận của cả hai phía liên quan đến vai trò của ông Witkoff trong các nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Tuy vậy, sự xuất hiện lặp lại của các luận điểm tương đồng với quan điểm của Điện Kremlin trong giới chức Mỹ cũng khiến Kyiv lo ngại.
Một học giả Nga có liên hệ với giới ngoại giao nước này nhận định với Washington Post rằng một giải pháp cho xung đột sẽ cần đến “các cuộc đàm phán kéo dài”, và không rõ làm sao có thể “thuyết phục phía Ukraine”. Trong khi đó, theo học giả này, ông Trump muốn “giải quyết mọi thứ càng nhanh càng tốt”, còn Nga thì không chịu áp lực về thời gian.
Ông cũng lưu ý: “Không ai muốn tranh cãi với ông Trump”. Điều này đặt ra một viễn cảnh khó lường về vai trò của Mỹ trong tiến trình đàm phán hòa bình - khi mà Ukraine vừa cần sự hỗ trợ, vừa phải bảo vệ các lợi ích cơ bản của mình.