Cuộc đảo chính ở Niger đang trở thành nguồn cơn gây mâu thuẫn mới cho Pháp và Mỹ.

Quan hệ Pháp, Mỹ căng thẳng vì cuộc đảo chính Niger?

Hoàng Vũ (theo Politico) | 20/08/2023, 17:55

Cuộc đảo chính ở Niger đang trở thành nguồn cơn gây mâu thuẫn mới cho Pháp và Mỹ.

Trong khi Pháp từ chối tham gia ngoại giao với chính quyền quân sự và ủng hộ mạnh mẽ Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự, Mỹ đã cử một phái viên đến gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Niger. Mỹ cũng không tuyên bố chính thức việc tiếp quản trên là một cuộc đảo chính.

Giới chức Pháp ủng hộ một giải pháp hòa bình, song phản đối cách tiếp cận của Mỹ, cho rằng làm việc với chính quyền quân sự sẽ đồng nghĩa với việc ủng hộ họ.

biden-and-macron.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters

“Có lẽ để tránh đổ máu, Mỹ đã nhanh chóng muốn nói chuyện với những người đảo chính. Phản ứng tốt hơn nên là đưa ra một số điều kiện hoặc đảm bảo trước khi mở các kênh đối thoại như vậy”, một quan chức Pháp cho Politico biết.

Tình hình trên cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và nhấn mạnh sự khác biệt giữa lợi ích của Paris và Washington tại châu Phi. Mỹ, quốc gia sử dụng Niger làm căn cứ cho các hoạt động chống khủng bố, có thể tin rằng họ có nhiều vị thế tốt hơn Paris, đặc biệt là khi quốc gia Tây Phi từng bị Pháp biến là thuộc địa.

Một số cựu quan chức Mỹ lập luận việc Pháp không hài lòng với cách tiếp cận của Washington một phần là do nước này bị kích động khi mất một trong những chỗ đứng chiến lược cuối cùng ở khu vực Sahel, Tây Phi, sau khi các cuộc đảo chính khác đã buộc nước này phải từ bỏ sự hiện diện quân sự.

Cameron Hudson, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về vấn đề châu Phi, nhận định: “Lợi ích của Pháp ở Niger cao hơn nhiều so với của Washington… Đó là một thất bại về tâm lý và chiến lược đối với Pháp”.

Theo ông Hudson, ở Tây Phi, Pháp đã quen với việc dẫn dắt các cường quốc thế giới khác theo đuổi lập trường của họ. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra trong trường hợp này.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Niger đã gặp gỡ các đại diện chính quyền quân sự vào ngày 7.8 và kêu gọi phục hồi nền dân chủ. Bà Nuland đã bị từ chối gặp tổng thống bị phế truất, Mohamed Bazoum, và sau đó thừa nhận rằng chính quyền quân sự dường như không muốn đảo ngược các động thái của họ.

Các quan chức Pháp chỉ ra rằng đây là một ví dụ về việc tham gia quá nhanh của Mỹ. Trong khi Pháp và Mỹ vẫn liên kết chặt chẽ với nhau trong một loạt chủ đề, bao gồm về cuộc chiến Ukraine, một số điểm căng thẳng đã xuất hiện giữa “hai đồng minh lâu đời” trong những năm gần đây, bao gồm những khác biệt về quan hệ đối tác an ninh giữa Úc, Mỹ và Anh, quan hệ với Trung Quốc và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, điều mà người châu Âu lo ngại sẽ hút đầu tư ra khỏi khu vực.

Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng một số đồng minh không hài lòng với chuyến đi của bà Nuland nhưng không cho biết đồng minh nào hoặc nêu chi tiết mối quan ngại của họ. “Cửa sổ cơ hội đang đóng lại. Liệu có nên để nó đóng hay tạo ra sự linh hoạt?”, vị quan chức này cho hay.

Ali El Husseini, một người Mỹ có quan hệ với chính quyền quân sự, cho Politico biết các nhà cai trị quân sự mới của Niger không tin tưởng người Pháp, đặc biệt là vì các quan chức Paris đang hành động như thể họ “không tồn tại”.

"Họ đổ lỗi cho người Pháp về áp lực đang phải chịu từ các nước xung quanh, cũng như những gì họ coi là tham nhũng ở Niger. Những người đảo chính không cho phép ông Bazoum trở lại nắm quyền, đồng thời cáo buộc ông nhiều tội danh tham nhũng. Nhưng họ có thể sẵn sàng hạ mình với sự can dự của Mỹ”, El Husseini nói.

Tổng thống bị phế truất đang bị quản thúc tại gia nhưng đã tìm cách nói chuyện với các quan chức nước ngoài, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken, và công bố lời kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

“Không có sự ủng hộ phổ biến nào dành cho chính quyền quân sự. Chúng tôi không thấy chế độ mới đang đạt được tính hợp pháp. Và chúng ta đang thấy một tổng thống được bầu một cách dân chủ đấu tranh để sinh tồn”, một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này đã xác nhận rằng tân đại sứ tại Niger, Kathleen FitzGibbon, sẽ làm việc tại thủ đô Niameym, mặc dù Washington trước đó đã giảm bớt sự hiện diện ngoại giao của mình ở đó vì lý do an ninh.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel không nói chính xác khi nào bà FitzGibbon sẽ đến Niger. Khi được hỏi liệu bà FitzGibbon có trình thư ủy nhiệm của mình cho các nhà lãnh đạo quân sự Niger hay không - một động thái có thể củng cố vị thế của họ, ông Patel trả lời rằng việc như vậy là không cần thiết.

Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) Adrienne Watson không phủ nhận căng thẳng giữa Pháp và Mỹ về vấn đề Niger, nhưng nhấn mạnh rằng hai đồng minh sẽ tiếp tục đối thoại với đại diện của các quốc gia châu Phi.

“Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo việc trả tự do cho Tổng thống Bazoum và gia đình ông ấy, đồng thời hướng tới con đường ngoại giao theo hiến pháp Niger để bảo vệ trật tự hiến pháp”, ông Watson nói.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Pháp tại Washington cho biết: “Có sự phối hợp chặt chẽ và các cuộc thảo luận đang diễn ra”.

Điện Elysée từ chối bình luận về những xích mích có thể xảy ra giữa Mỹ và Pháp, nhưng một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp thừa nhận có sự khác biệt trong cách tiếp cận của các nước đối tác nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger.

“Tất cả chúng tôi đều có chung mục đích là khôi phục trật tự hiến pháp của Niger dù có đôi chút khác biệt”, nhà ngoại giao nói và cho biết thêm rằng lập trường của Pháp đã được thể hiện qua kinh nghiệm của nước này về các cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso trong những năm gần đây.

Pháp đã cam kết hỗ trợ đầy đủ cho tổ chức ECOWAS. Paris thậm chí tuyên bố sẽ xem xét yêu cầu hỗ trợ quân sự nếu ECOWAS chọn can thiệp vào Niger hay kêu gọi giúp đỡ.

Tổ chức này đã nhắc lại lời đe dọa dùng vũ lực nếu thất bại trong việc khôi phục nền dân chủ ở Niger. Khối khu vực Tây Phi trước đó cũng áp đặt nhiều các biện pháp trừng phạt đối với Niger và đồng ý đưa lực lượng quân sự vào tình trạng sẵn sàng.

Về phần mình, Washington đã nói rõ với ECOWAS rằng Mỹ thích con đường ngoại giao hơn vũ lực. Mỹ hiện có 1.100 binh sĩ ở Niger, nơi họ đã chi hàng trăm triệu USD để huấn luyện lực lượng an ninh chống lại các tổ chức khủng bố. Niger là một phần quan trọng trong chiến lược chống khủng bố tổng thể của Mỹ, đặc biệt là trước sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.

Không giống như Pháp, Mỹ vẫn chưa chính thức coi việc lật đổ Tổng thống Bazoum là một cuộc đảo chính. Làm như vậy sẽ kích hoạt một đạo luật có thể dẫn đến việc chấm dứt viện trợ quân sự của Washington cho quốc gia này.

Mỹ mới chỉ tạm dừng một số chương trình kinh tế và an ninh để gây sức ép buộc chính quyền quân sự khôi phục quyền lực cho ông Bazoum. Nhà Trắng coi chính sách viện trợ của mình là đòn bẩy cho sự hiện diện tại Niger, song cũng lo lắng rằng việc ngừng viện trợ hoàn toàn có thể đồng nghĩa với việc mất đi vị thế tại quốc gia châu Phi.

Một số cựu quan chức Mỹ tin rằng Washington nên cân nhắc lợi ích của chính mình trước khi chú ý đến lời kêu gọi của Pháp bởi các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga hoặc các nhóm như Wagner có thể lấp đầy khoảng trống ở Niger như đã làm ở những nơi khác ở lục địa đen.

Bài liên quan
Quân Nga - Mỹ ở cùng một căn cứ tại Niger
CNN dẫn nguồn tin tiết lộ quân Nga và quân Mỹ tại Niger đã ở cùng căn cứ không quân 101 trong ít nhất vài tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ Pháp, Mỹ căng thẳng vì cuộc đảo chính Niger?