Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các làng trồng quất ở Hội An (Quảng Nam) đang khấp khởi vào vụ vì được giá. Tuy nhiên nông dân vẫn đang nơm nớp vì sợ thời tiết có thể bất lợi.
Được giá
Tại thành phố Hội An, Thanh Hà và Cẩm Hà là vựa cung cấp cây quất chưng tết lớn nhất ở khu vực miền Trung với tổng diện tích khoảng 80 hecta. Quất Hội An không chỉ nổi tiếng về số lượng mà còn được biết đến với những cây có thế đẹp, tuổi đời nhiều năm.
Theo thống kê tại xã Cẩm Hà, mỗi năm có khoảng 500/1.600 hộ dân của xã tham gia trồng quất với tổng diện tích gần 65 hecta. Dự kiến năm nay Cẩm Hà cung cấp ra thị trường 65.000 chậu quất.
Nhiều vườn quất bắt đầu vào độ chín
Năm nay thời tiết thuận lợi do không có mưa bão nhiều nên các vườn quất ở Hội An không bị thiệt hại nhiều. Từ tháng 11 Âm lịch rất nhiều thương lái từ các địa phương như Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Kon Tum… đã đổ xô đến vườn đặt cọc mua quất chờ qua rằm tháng Chạp sẽ đến chở đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Tín (thôn Bàu Ốc Hạ, Cẩm Hà) cho biết năm nay gia đình ông trồng khoảng 300 chậu quất. So với năm trước, năm nay quất được giá, 300 chậu của ông đã được thương lái đặt cọc hết; cây đạt có giá khoảng 2 triệu bán tại vườn, cây nhỏ nhất cũng có giá khoảng 700-800 ngàn.
Theo ông Lê Trung (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) năm nay ông trồng khoảng 800 chậu quất, hiện một nửa trong số 800 chậu quất cảnh đã được bán sỉ với giá từ 1,2 - 1,5 triệu/chậu.
Quất năm nay được giá
Nơm nớp lo thời tiết từ giờ đến tết
Dù năm nay cây đẹp, giá cao nhưng nông dân trồng quất ở Hội An vẫn chưa yên tâm do nỗi lo thời tiết, sâu rầy phát triển.
Ông Nguyễn Viết Chuẩn, chủ một vườn quất chia sẻ:“Nghề trồng quất bạc lắm, có khi kiếm được tí tiền nhưng cũng có năm thất thu, công sức cả năm thành công cốc.Những năm thời tiết xấu, mưa nhiều vườn quất nhà ông Chuẩn thiệt hại khá nhiều, nhiều cây thối rễ chết rũ, số còn lại cây xấu và quả nhỏ, bị bệnh nên bán không được giá”.
Để trở thành một cây quất đẹp như ý cho ngày Tết cần rất nhiều công chăm sóc. Theo ông Chuẩn thì khó nhất là khâu tạo dáng, đòi hỏi những người thợ khéo tay, sơ sẩy là gãy cành, hỏng cây thì coi như hỏng, mất giá.
Dù quất được giá nhưng nông dân vẫn đang nơm nớp lo thời tiết diễn biến bất thường gây bệnh cho cây
“Tôi làm nghề này gần 20 năm rồi, được mất vô chừng, nhiều khi quất gần đến ngày xuất vườn nhưng chỉ một cơn mưa lớn hay một đợt sương muối thì coi như đổ sông đổ biển do quả rơi rụng hoặc sâu bệnh phá hoại. Năm nay, thời tiết thay đổi, nắng lạnh bất thường nên lo lắm, chỉ khi nào thương lái đến chở quất đi, mình cầm tiền trong tay mới yên tâm, còn không thì cứ thấp thỏm hoài”, ông Chuẩn nói.
Theo ông Chuẩn, để trồng ra chậu quất không hề dễ dàng. Chưa kể phân thuốc, chỉ riêng việc nuôi dưỡng một cây quất từ giâm ngoài đất, vô chậu đến lúc bán ra thị trường thời gian ít nhất cũng 3 năm, nên tính ra lời lãi không bao nhiêu. Năm nay, nếu cả vườn quất ông Chuẩn bán được hết, số tiền lãi chưa đến 100 triệu đồng, xem như bỏ công làm lời.
“Chỉ mong từ nay đến tết, thời tiết nắng ấm để cây quất phát triển tốt, thương lái mua giá cao cho người nông dân chúng tôi có cái tết vui vẻ. Làm cả năm, ai cũng chỉ trông chờ mấy ngày này thôi”, ông Chuẩn chia sẻ.
Bài, ảnh: Thạch Châu