Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa xác nhận các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi bày tỏ mong muốn gia nhập "đại gia đình" Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS).
Tổng thống Ramaphosa vừa kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ả Rập Saudi, nơi ông bày tỏ tin tưởng rằng cả hai nước đã củng cố và tiếp tục hợp tác song phương và củng cố quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng thống Nam Phi cho biết việc Ả Rập Saudi tham gia BRICS sẽ có nghĩa là thay đổi đáng kể ở các quốc gia hình thành khối. Tuy nhiên, ông cho biết điều này sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Nam Phi vào năm tới.
Tổng thống Ramaphosa cho biết: “Các quốc gia BRICS sẽ gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh vào năm tới dưới sự chủ trì của Nam Phi. Và vấn đề sẽ được xem xét”.
“Và một số quốc gia đã và đang thực hiện các cách tiếp cận với các quốc gia thành viên khác. Và chúng tôi đã đưa ra câu trả lời tương tự cho họ khi nói rằng việc đó sẽ được thảo luận bởi chính các đối tác BRICS gồm 5 nước và sau đó quyết định sẽ được thực hiện”.
Việc Ả Rập Saudi bày tỏ nghiêm túc ý định gia nhập G5 - nhóm 5 nước BRICS diễn ra đúng thời điểm Riyadh bất chấp lời kêu gọi thậm chí gây áp lực của Mỹ trong việc giữ nguyên sản lượng dầu để làm khó Nga trên thị trường năng lượng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby chua chát thừa nhận: “Trong những tuần gần đây, Saudi đã truyền đạt cho chúng tôi - một cách riêng tư và công khai - ý định giảm sản lượng dầu mà họ biết sẽ làm tăng doanh thu của Nga và làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt”.
Không những vậy, Mỹ còn cảm thấy bị mất tiếng nói tại vùng Vịnh khi một loạt quốc gia khác trong khu vực công khai ủng hộ lời kêu gọi của Nga và Ả Rập Saudi trong việc cắt giảm sản lượng dầu.
Chính ông John Kirby cũng than vãn rằng các thành viên OPEC khác nói riêng với Mỹ rằng họ không đồng ý với quyết định của Riyadh, "nhưng cảm thấy bị buộc phải hưởng ứng với chỉ đạo của Saudi" nhưng cho đến nay chưa nước nào xác nhận việc họ có những lời than thở như vậy.
Thay vào đó, các nước như Kuwait, UAE, Oman cũng như chính Ả Rập Saudi khẳng định quyết định cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày là quyết định chung dựa trên sự nhất trí của khối cũng như vì vấn đề thuần túy về kinh tế, không liên quan chính trị.