EU phải tăng cường thái độ đối với Trung Quốc và coi nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện với các lĩnh vực tiềm năng, các bộ trưởng của khối đề xuất.

Các bộ trưởng EU đề xuất đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc

Hoàng Vũ | 17/10/2022, 13:27

EU phải tăng cường thái độ đối với Trung Quốc và coi nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện với các lĩnh vực tiềm năng, các bộ trưởng của khối đề xuất.

EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương khác, tờ Financial Times hôm 17.10 dẫn báo cáo của cơ quan đối ngoại của EU chuẩn bị cho các quốc gia thành viên.

“Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu, thậm chí còn mạnh hơn đối với EU, Mỹ và các đối tác cùng chí hướng khác. Do đó, điều cần thiết là phải đánh giá cách ứng phó với những thách thức hiện tại và có thể thấy trước; chuyển sang cạnh tranh toàn diện, về mặt kinh tế lẫn về mặt chính trị”, báo cáo cho hay.

Báo cáo nhấn mạnh mối quan hệ EU - Trung Quốc đang xấu đi đáng kể từ khi chính sách hiện có đối với Bắc Kinh được nhất trí vào năm 2019. Mối quan hệ ngày càng xấu đi thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt "ăn miếng trả miếng" và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung.

Bản báo cáo sẽ được các ngoại trưởng EU thảo luận tại cuộc họp ở Luxembourg hôm 17.10 để chuẩn bị cho cuộc tranh luận về Trung Quốc của 27 nhà lãnh đạo khối tại hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu vào ngày 20.10, gợi ý rằng chính sách hiện tại của EU coi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” đã lỗi thời.

Các cuộc thảo luận của EU trong tuần này về chính sách của khối đối với Bắc Kinh diễn ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng, Trung Quốc là “thách thức địa chính trị”, đưa ra chiến lược an ninh quốc gia cảnh báo Bắc Kinh “nuôi dưỡng ý định và ngày càng tăng khả năng định hình lại trật tự quốc tế”.

Bản báo cáo cho biết, theo EU, mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga là “một sự phát triển đáng lo ngại và không thể bị bỏ qua”, và rằng sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Moscow là “đưa Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp hơn với các nền dân chủ phương Tây”.

Tài liệu dài 5 trang được viết bởi các bộ trưởng EU, bao gồm một đoạn về các lĩnh vực hạn chế hợp tác tiềm năng với Trung Quốc - bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe - trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại mô tả Bắc Kinh là “một đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế”.

Báo cáo này cũng đề cập đến sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc đối với chất bán dẫn và một số kim loại đất hiếm như một “lỗ hổng chiến lược”.

"Trong những năm qua, EU và các quốc gia thành viên cũng đã trải qua nhiều trường hợp bị Trung Quốc ép buộc kinh tế, cạnh tranh gay gắt hơn trong các công nghệ quan trọng, các mối đe dọa mạng và thao túng thông tin, cũng như các chính sách quyết đoán hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", báo cáo nêu rõ và kêu gọi EU thúc đẩy một "đề nghị tốt hơn" cho các nước thứ ba đang có quan hệ với Bắc Kinh.

Bài liên quan
Ukraine cáo buộc Nga tấn công cơ sở vận chuyển khí đốt cho EU
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong đợt tấn công nhắm vào ngành năng lượng nước này ngày 27.4, Nga đã không bỏ qua loạt cơ sở phục vụ hoạt động vận chuyển khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bộ trưởng EU đề xuất đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc