Trước đợt tấn công tên lửa từ Nga đầu tuần trước, Mỹ quyết định gấp rút bàn giao hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng - John Kirby - ngày 12.10 tuyên bố: Mỹ đang đẩy nhanh việc vận chuyển. Truyền thông đưa tin Kyiv có thể nhận được NASAMS vào cuối tháng này.
Nga nhiều lần dùng tên lửa hành trình phóng từ đất liền, từ trên biển lẫn trên không để tấn công cơ sở hạ tầng cùng trung tâm chỉ huy - kiểm soát ở miền tây Ukraine.
Tên lửa hành trình rất khó bị phát hiện và đánh chặn vì chúng không bay thẳng đến mục tiêu mà được dẫn đường, để lọt qua loạt khí tài chống tiếp cận và gây bối rối cho lực lượng phòng thủ. Phương án phòng thủ hiệu quả và đáng tin nhất là hệ thống tên lửa tầm ngắn như SPYDER của Israel, Pantsir của Nga, QR-SAM của Ấn Độ và NASAMS của Mỹ.
NASAMS sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM phiên bản phóng từ đất liền. Không giống phiên bản phóng từ trên không đã đạt độ cao và vận tốc nhất định, AMRAAM phóng từ đất liền lúc rời khỏi bệ phóng phải đốt nhiên liệu để bay cao, rồi tăng tốc nên tầm bắn bị giới hạn trong khoảng 30 km.
Đây không phải hệ thống bảo vệ khu vực rộng lớn bởi NASAMS chỉ chuyên bảo vệ mục tiêu nhất định (mục tiêu quan trọng).
Hệ thống Mỹ sắp viện trợ cho Ukraine nhiều khả năng là biến thể NASAMS-2 dùng liên kết dữ liệu Link-16. Như vậy, hệ thống này không cần radar giám sát, có thể được điều khiển bay tới mục tiêu thông qua liên kết dữ liệu bởi máy bay giám sát hoạt động trên không.
Mỹ cùng đồng minh triển khai không ít máy bay giám sát lãnh thổ và không phận Ukraine suốt ngày đêm. Các máy bay thực hiện nhiệm vụ này gồm có E-3 Sentry AWACS, E-8 JSTARS, P-81, RQ-4D Phoenix, RC-135S Cobra Ball, RC-135U Combat Sent, RC-135V/W.
Hồi tháng 5, phát ngôn viên Kirby từng xác nhận Mỹ cung cấp thông tin tình báo chiến trường hỗ trợ Ukraine.
Link-16 là mạng lưới liên kết dữ liệu thời gian thực nhỏ gọn được trang bị cho hầu hết máy bay Mỹ cùng đồng minh, cung cấp thông tin vị trí lực lượng ta và địch, dữ liệu tình huống chung, dữ liệu khí tài trên mặt đất lẫn trên không.
Trong số máy bay thực hiện nhiệm vụ giám sát, E-3 Sentry AWACS đủ khả năng phát hiện và theo dấu tên lửa hành trình Nga ngay sau khi chúng xâm nhập không phận Ukraine. Khí tài chống tiếp cận hiện tại của Kyiv không theo tiêu chuẩn NATO nên chưa thể tận dụng hiệu quả năng dữ liệu thời gian thực mà E-3 Sentry AWACS cung cấp.
Khi NASAMS cùng hệ thống IRIS-T của Đức được bàn giao, tình thế có thể thay đổi.
Do chỉ là hệ thống bảo vệ mục tiêu nên Ukraine sẽ cần rất nhiều hệ thống NASAMS. Tuy nhiên đây là khí tài đắt đỏ.
Với sự xuất hiện của NASAMS, Nga có thể tăng cường sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc máy bay không người lái cảm tử tấn công loạt mục tiêu mà NASAMS và IRIS-T bảo vệ.