Trong dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD đang chờ Tổng thống Joe Biden ký ban hành, Quốc hội Mỹ đặt ra một yêu cầu mới dành cho các nhà sản xuất ô tô: tìm một giải pháp công nghệ ngăn người say rượu lái xe.
Dự luật đòi hỏi hệ thống công nghệ phải giám sát thụ động hoạt động của người điều khiển phương tiện cơ giới để xác định chính xác liệu tài xế đó có suy giảm năng lực điều khiển hay không, và nếu phát hiện điểm bất thường thì phải ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động của phương tiện cơ giới.
Bộ Giao thông Mỹ chịu trách nhiệm quyết định loại hệ thống nào phù hợp cài đặt, các nhà sản xuất sẽ được cho thời gian tiến hành thay đổi theo đúng quy định. Công nghệ này có thể ra mắt trên tất cả ô tô mới vào năm 2026.
Alex Otte - người đứng đầu tổ chức đấu tranh chống lái xe khi say rượu Mothers Against Drunk Driving (MADD) - hoan nghênh yêu cầu cài đặt công nghệ ngăn người say rượu lái xe. Bà cho rằng làm vậy giúp loại bỏ “sát thủ số 1” (lái xe trong tình trạng say rượu) trên đường phố Mỹ.
Tổ chức Insurance Institute for Highway Safety (do các đơn vị bảo hiểm ô tô Mỹ lập nên) nhận định công nghệ ngăn người say rượu lái xe có thể ngăn chặn hơn 9.400 cái chết mỗi năm.
Theo thống kê từ Cơ quan quản lý An toàn giao thông xa lộ Mỹ, trong nửa đầu năm 2021 có đến 20.160 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông – cao nhất từ năm 2006 đến nay. Khoảng 1/3 số vụ va chạm giao thông ở Mỹ liên quan đến tài xế say rượu.
Giai đoạn 2010 - 2019, mỗi năm có hơn 10.000 người chết trong tai nạn say rượu lái xe ở Mỹ.
Hiện tại một số ô tô tích hợp thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở vào khóa đánh lửa của xe. Tài xế thổi vào ống, phương tiện sẽ tự khóa nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Theo nhà phân tích Sam Abuelsamid thuộc công ty nghiên cứu thị trường Guidehouse Insights, công nghệ ngăn người say rượu lái xe khả dĩ nhất là camera hồng ngoại theo dõi hành động tài xế vốn đã được một số nhà sản xuất như General Motors, BMW và Nissan cài đặt nhằm xác định mức độ tập trung của người lái lúc sử dụng hệ thống hỗ trợ lái một phần.