Chiều ngày 22.11, Quốc hội thông qua hàng loạt luật như Luật Xuất nhập cảnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Dân quân tự vệ 9 (sửa đổi)…

Quốc hội thông qua nhiều dự án luật

Bùi Trí Lâm | 22/11/2019, 21:41

Chiều ngày 22.11, Quốc hội thông qua hàng loạt luật như Luật Xuất nhập cảnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Dân quân tự vệ 9 (sửa đổi)…

Thông qua Luật Xuất nhập cảnh

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với 442/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,55% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, các đại biểu quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Luật nêu rõ, công dân Việt Nam có các quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này; người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này; được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật…

Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.

Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định; cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh; hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Hộ cận nghèo được tạm hoãn dân quân tự vệ

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) với tỷ lệ 91,72% số phiếu tán thành.

Theo đó, dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều. Kết quả, có 443/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 91,72%) đã tán thành thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Trong số các đại biểu tham gia biểu quyết, có 1 đại biểu không tán thành (chiếm 0,21%), 2 đại biểu không biểu quyết thông dự án luật (chiếm 0,41%).

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được tạm hoãn là hộ cận nghèo để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tránh nguy cơ xuống hộ nghèo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định sau khi hết điều kiện tạm hoãn thì công dân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật chỉ quy định điều kiện tạm hoãn cho từng trường hợp cụ thể; khi không còn đáp ứng điều kiện này thì công dân trong độ tuổi phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định vợ hoặc chồng của người bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được tạm hoãn tại điểm b khoản 2, vì họ thường đã trên 60 tuổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tế vẫn có nhiều công dân bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả chiến tranh để lại hoặc di chứng sang các thế hệ sau. Do đó, để bảo đảm công bằng, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự án Luật.

Có ý kiến đề nghị tại điểm d khoản 2 chỉ nên quy định chung là đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ trong trường hợp nghiện ma túy cho chặt chẽ, để bảo đảm quyền con người, quyền của công dân và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung và chỉnh lý điểm này như sau: “Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Nhiều thay đổi trong Luật tổ chức chính quyền địa phương

Cùng với đó, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 89,23% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, qua gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu quốc hội cho thấy, có 331/395/483 (bằng 83,8%) đại biểu tham gia ý kiến (chiếm 68,12% tổng số) tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Luật. Do đó, xin phép Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu về nội dung này, thể hiện cụ thể tại các điều 4, 44, 58 và 72 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các vị đại biểu quốc hội đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu là 02 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay.

Vì vậy, để thống nhất trong việc thiết kế các quy định về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân /Trưởng ban Hội đồng nhân dân là đại biểu chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân /Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân /Trưởng ban Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân /02 Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội là quy định khái quát về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương như dự thảo Luật, còn việc sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay sẽ thực hiện theo văn bản của cấp có thẩm quyền trên cơ sở kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm.

Lam Thanh
Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội thông qua nhiều dự án luật