Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng “Quy hoạch Điện 8 giống như đang vẽ một bức tranh trên nền các bức tranh có sẵn, sao cho hài hòa, hợp lý. Ông mong các địa phương chia sẻ cái khó với bộ, Chính phủ, chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo".

Quy hoạch điện 8: Bộ trưởng Công Thương mong địa phương chia sẻ cái khó vì phải “vẽ bức tranh trên nền cũ”

Lam Thanh | 15/04/2022, 23:20

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng “Quy hoạch Điện 8 giống như đang vẽ một bức tranh trên nền các bức tranh có sẵn, sao cho hài hòa, hợp lý. Ông mong các địa phương chia sẻ cái khó với bộ, Chính phủ, chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo".

Dự thảo quy hoạch còn một số bất cập

Ngày 15.4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Tháng 3.2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện 8. Tuy nhiên, bản dự thảo quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.

Cụ thể, dự thảo trình chưa đánh giá đầy đủ các tồn tại, vướng mắc, hạn chế của Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nhất là các vấn đề bất cập đang diễn ra trong thực tiễn; quy mô phát triển nguồn điện theo danh mục nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 là rất lớn (khoảng 181.000 MW), gấp khoảng 1,94 lần nhu cầu công suất cực đại (Pmax khoảng 93.300 MW).

Tiếp đó, cơ cấu nguồn điện cũng chưa hợp lý; nguồn nhiệt điện than dự kiến phát triển quá lớn (năm 2030 khoảng 47.000 MW, năm 2045 khoảng 54.000 MW); nguồn điện khí LNG dự kiến phát triển cũng rất lớn (năm 2030 khoảng 41.000 MW và đến năm 2045 khoảng 83.000 MW).

dien-3.jpg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về Quy hoạch điện 8

Một hạn chế nữa là cân đối vùng miền còn bất hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn; Ngoài ra, các cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện Quy hoạch điện 8 còn chưa rõ, mối quan hệ với các quy hoạch liên quan trong hệ thống quy hoạch quốc gia cũng chưa được làm rõ.

Đưa ra ngoài quy hoạch các dự án chưa phù hợp

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đặt vấn đề, đây là một quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa tính toán lượng hao hụt khi phải truyền tải điện đi xa, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

"Nếu đưa vào quy hoạch nhiều quá thì sau này sẽ gây lãng phí, hiệu quả khai thác của các nhà máy sẽ thấp", Phó thủ tướng lấy ví dụ và cho rằng "sản xuất điện ra với giá thành thấp nhưng vận chuyển xa thì dẫn tới hao hụt, cộng thêm chi phí đường dây cũng như rủi ro khi có sự cố như thiên tai".

Phó thủ tướng cho biết, nhiều dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh phải rà soát, loại ra ngoài. "Nếu đưa vào Quy hoạch những cái cũ, không hợp lý thì không còn chỗ cho những cái mới, không khắc phục được các tồn tại nêu trên. Một số dự án đưa vào dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã trình vào tháng 3.2021 nhưng chưa phù hợp cũng cần tính toán để đưa ra ngoài”.

Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý một vấn đề là nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, các địa phương rất lớn, đến năm 2030 đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia năm 2030. Tuy nhiên, với tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết", bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

dien-1.jpg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỉ USD.

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26.3.2021.

Quy hoạch nguồn điện cần cân đối vùng miền

Một số địa phương miền Trung cho rằng, khu vực này có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhưng nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực lại thấp. Do đó, khi căn cứ vào phụ tải thì khu vực được bố trí nguồn điện thấp.

"Nên quy hoạch nguồn điện theo địa bàn tỉnh chứ không chỉ theo vùng", Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm góp ý.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng cần quy hoạch chi tiết, phân bổ nguồn điện đến cấp tỉnh. Ông nhất trí, nên hạn chế phát triển thủy điện ở miền Trung. Đối với Bình Định, có tiềm năng điện gió, ông bày tỏ mong muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để xây dựng các trang trại điện gió quy mô lớn ngoài khơi.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, chỉ đạo của Phó thủ tướng về cân đối vùng miền là rất quan trọng. "Đường dây 500 kV lẽ ra chỉ đóng vai trò liên kết hệ thống, nhưng bây giờ mang vai trò như đoàn tàu chở hàng, nếu cứ tiếp tục dồn tải lên thì sẽ không thể nào tải được vì bị giới hạn bởi kích cỡ đường dây, ngoài ra còn có vấn đề ổn định hệ thống". Theo ông An, việc việc truyền tải điện đi xa là "chuyện cực chẳng đã", hạn chế được thì tốt hơn.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển những cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa để giảm giá thành chung, vừa phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền Trung vẫn để ở mức lớn nhất với các lý do: lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên.

dien-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

"Có thể nói Quy hoạch Điện 8 giống như chúng ta đang vẽ một bức tranh trên nền các bức tranh có sẵn sao cho hài hòa, hợp lý", Bộ trưởng nói và mong muốn các địa phương chia sẻ cái khó với Bộ, với Chính phủ vì phải vẽ bức tranh trên nền cũ. "Chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo", ông Diên nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch điện 8: Bộ trưởng Công Thương mong địa phương chia sẻ cái khó vì phải “vẽ bức tranh trên nền cũ”