Theo WB, giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đã đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước bởi lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

WB khuyến nghị Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước

Lam Thanh | 15/04/2022, 16:48

Theo WB, giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đã đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước bởi lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 4.2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP quý 1/2022 tăng trưởng 5,0% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trưởng trong quý 4/2021, nhưng vẫn thấp hơn 2 điểm phần trăm so với tốc độ trước đại dịch.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng trưởng lần lượt 6,4% và 4,6% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 4,3 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của quý.

Theo WB, tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt được nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo từ khu vực kinh tế đối ngoại, trong khi kết quả tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ không đồng đều giữa các ngành.

Ngoài ra, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, và ngành thông tin - truyền thông đã cho thấy khả năng chống chịu tốt trong 2 năm qua, duy trì được tăng trưởng vững chắc. Mặt khác, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn thấp hơn 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch.

Cũng theo báo cáo, sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng vững chắc, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3, tương đương với mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu ở trong nước đang phục hồi và nhu cầu vững chắc từ khu vực kinh tế đối ngoại.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 54,3 (mức cao nhất trong 10 tháng) trong tháng 2, xuống 51,7 trong tháng 3.

“Chỉ số PMI giảm có thể liên quan nhiều đến thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đợt lây nhiễm chủng Omicron hơn là áp lực lạm phát và gia tăng tính bất định xuất phát từ chiến tranh tại Ukraine. Mặc dù vậy, chỉ số PMI vẫn cao hơn mốc 50, nghĩa là điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn khả quan”, WB nêu.

gia-ca.jpeg
WB khuyến nghị Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước

Báo cáo cũng nhận định tình hình thị trường lao động tiếp tục cải thiện, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt phong tỏa quý 3/2021. Số lao động có việc làm trong quý 1/2022 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức trước đai dịch. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,2%, tương đương mức trước đại dịch.

Mặc dù vậy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn chưa đạt mức được ghi nhận cùng kỳ năm trước và tỷ lệ thiếu việc làm vẫn cao ở mức 3,0%. Thu nhập thực bình quân của lao động làm công hưởng lương hầu như đã phục hồi về mức hồi quý 1/2021.

WB cũng cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,4% (so cùng kỳ năm trước), so với mức tăng 1,4% trong tháng 2 (so cùng kỳ năm trước). Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 7 tháng qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0%.

Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi tăng, cho thấy dấu hiệu thắt chặt điều kiện tài chính trong nước. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng ở mức 2,08% vào cuối tháng 3, tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

WB khuyến nghị, giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm trong năm 2021 một phần do tổng cầu yếu, nhưng sự gia tăng giá hàng hóa trung gian và giá sản xuất trong 3 quý gần đây có thể ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.

Trong ngắn hạn, WB cho rằng cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.

Cũng theo WB, chính sách tạm giảm thuế đối với xăng dầu mới được các cấp có thẩm quyền ban hành là một chính sách trong ngắn hạn như vậy mặc dù quyết định chọn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể không phản ánh đúng mục tiêu về môi trường của các cấp có thẩm quyền.

Trong trung hạn, các biện pháp khác bao gồm một hệ thống đảm bảo xã hội có mục tiêu, hiệu quả và có khả năng ứng phó tốt hơn, giúp xây dựng khả năng chống chịu trong nền kinh tế.

“Nếu tình trạng giá cả tăng kéo dài thì nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả. Các cấp có thẩm quyền cũng nên cân nhắc có những cải cách mang tính cấu trúc để giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung”, WB nêu.

Theo đó, các biện pháp có thể áp dụng bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics và đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WB khuyến nghị Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước