Các quy luật phát triển của tài liệu khoa học kỹ thuật ngày nay thể hiện ở các mặt sau đây.
Quy luật về sự gia tăng tài liệu
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đội ngũ những người làm khoa học tăng lên nhanh chóng. Người ta dự đoán rằng số cán bộ khoa học kỹ thuật ngày nay chiếm tới 90% tổng số các nhà khoa học của nhân loại có từ trước đến nay. Hệ quả tất yếu là các sản phẩm của họ, các tài liệu khoa học kỹ thuật cũng tăng lên nhanh chóng. Người ta thấy rằng cứ trong vòng từ 12 đến 15 năm, số lượng tài liệu khoa học kỹ thuật lại tăng lên gấp đôi.
Ngày nay, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2000 trang tạp chí khoa học kỹ thuật được in ra, mỗi năm có tới 5 triệu bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học xuất bản định kỳ. Người ta cũng dự báo trong vòng 20 năm tới không có dấu hiệu nào phát triển chậm lại.
Do tăng nhanh về số lượng nên chất lượng của tài liệu khoa học kỹ thuật bị giảm sút. Để khắc phục điều đó các cơ quan thông tin phải tăng cường khâu chọn lọc và xử lý tài liệu, xây dựng các hệ thống thông tin tự động hoá và mở rộng mạng lưới thông tin quốc gia và quốc tế.
Quy luật về sự tập trung và tản mạn thông tin
Quy luật này hình thành do đặc điểm phân hoá và tổng hợp khoa học của sự phát triển khoa học hiện đại. Quá trình phân hoá theo chuyên môn dẫn đến hình thành các tài liệu theo chuyên môn hẹp. Quá trình liên kết các khoa học hình thành các tài liệu khoa học liên ngành.
Năm 1930, qua thống kê nhà thư viện học người Anh Bradford thấy rằng: Nếu sắp xếp số tạp chí khoa học theo thứ tự giảm dần số bài báo về một chuyên ngành nào đó thì trong danh sách nhận được ta có thể tìm thấy các “tạp chí hạt nhân”. Số tạp chí này không lớn, chỉ chiếm khoảng 10 - 15% số tạp chí, nhưng chứa đựng tới 90% số bài báo liên quan đến ngành đó.
Nhờ xác định các tạp chí hạt nhân, người ta xây dựng được danh mục các tạp chí cần mua một cách hợp lý và tránh được lãng phí. Qua thực tế ta thấy tỉ lệ sau đây là thích hợp: Từ 10 đến 15% tạp chí chuyên ngành; Từ 25 đến 30% tạp chí liên quan.
Quy luật về thời gian hữu ích và tính lỗi thời của tài liệu
Thời gian hữu ích hay tuổi thọ của tài liệu khoa học kỹ thuật phụ thuộc vào lĩnh vực tri thức và giá trị nội dung của tài liệu, cũng phụ thuộc vào tính thời sự và khả năng tương thích của nó đối với tình trạng của tri thức và nhu cầu của người dùng tin.
Chẳng hạn một tài liệu về triết học vẫn còn giữ nguyên giá trị trong hàng thế kỷ, nhưng một bản vẽ về một cỗ máy thì chỉ có giá trị trong một vài năm. Một số tài liệu có tuổi thọ rất ngắn, chúng thường mất ngay giá trị sau lần xuất bản mới. Chẳng hạn như các niên giám, các tiêu chuẩn, các bảng tra cứu. Tuổi thọ của các tạp chí cũng phụ thuộc vào thực tế đương thời. Nói chung một quyển sách có tuổi thọ dài hơn những bài báo của các ấn phẩm định kỳ.
Bằng cách thống kê người ta có thể tính được tần số sử dụng, tần số trích dẫn của một tài liệu riêng biệt hay một loại tài liệu nào đó. Người ta gọi “nửa đời của tài liệu” là thời gian từ lúc công bố đến lúc nó được sử dụng nhiều nhất, sau đó giá trị sử dụng giảm dần. Tuổi thọ của tài liệu được tính từ lúc công bố đến lúc lỗi thời, không được sử dụng nữa.
Sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ làm cho tài liệu khoa học kỹ thuật nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nhưng sự lỗi thời của tài liệu phụ thuộc vào lĩnh vực của tri thức và nội dung của tài liệu. Khoa học nào càng ổn định thì giá trị sử dụng của nó càng lâu hơn.
Nói chung các tài liệu được sản sinh theo một yêu cầu nào đó thường giảm dần giá trị sử dụng cùng với sự phát triển của yêu cầu này cho đến khi trở nên lỗi thời. Điều này khác hẳn với các tài liệu nguyên khai, các vật khảo cổ hay các tài liệu có giá trị lịch sử.
Ta cũng không nên nhầm lẫn giữa tần số sử dụng với giá trị sử dụng của tài liệu. Vì có thể có những tài liệu ít được sử dụng, đôi khi khá cũ, nhưng lại có lợi ích đáng kể đối với một vài đối tượng hay mục đích sử dụng nào đó.