Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia được cộng đồng khoa học ghi nhận và trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học có uy tín đối với các nhà khoa học, tổ chức KH-CN tại Việt Nam.
Chiều 6.12, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thành lập, 15 năm hoạt động của quỹ.
Cách đây tròn 20 năm, trước yêu cầu thúc đẩy hoạt động KH-CN, tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực KH-CN quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 122/2003/NĐ-CP ngày 22.10.2003 về việc thành lập Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia. Sau 5 năm hoàn thiện hành lang pháp lý, đến năm 2008, quỹ đã chính thức khai trương hoạt động tài trợ, hỗ trợ.
Trải qua 15 năm hoạt động đến nay, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia đã từng bước định hình được mô hình hoạt động hiệu quả và khẳng định vai trò, vị thế là một trong những đơn vị quan trọng trong hệ thống KH-CN, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển KH-CN của đất nước.
Theo ông Phạm Đình Nguyên - Giám đốc Cơ quan điều hành quỹ, sau 15 năm hoạt động, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia đã được cộng đồng khoa học ghi nhận và trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học có uy tín đối với các nhà khoa học, các tổ chức KH-CN tại Việt Nam.
Ông Nguyên cho biết với kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm không lớn, chỉ khoảng 2% tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho KH-CN nhưng hoạt động của quỹ bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, quỹ cũng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN trình độ cao; thúc đẩy phát triển các chỉ số GII của Việt Nam gắn với nguồn nhân lực KH-CN và công bố khoa học quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ; góp phần thực hiện một số mục tiêu của Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Nhìn lại quãng thời gian thành lập và hoạt động có thể thấy tài trợ của quỹ là nguồn lực quan trọng giúp các nhà khoa học duy trì hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản.
Các chương trình tài trợ của quỹ đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia. Nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tham gia các chương trình tài trợ của quỹ.
Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia được xây dựng với định hướng tài trợ nghiên cứu theo hướng hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN trình độ cao, gia tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH-CN với một cơ chế tài chính phù hợp, đặc thù của hoạt động nghiên cứu KH-CN.