Ngày 18.10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền để triển khai các công việc đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Quyết liệt hành động đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám về chống rửa tiền

Lam Thanh | 18/10/2023, 18:48

Ngày 18.10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền để triển khai các công việc đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

“Việc khó, không trường lớp nào dạy”

Tháng 6.2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về việc này, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị với thời gian thực hiện là trong 2 năm.

ptt-khai.jpeg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền - Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng, khi bị FATF đưa vào “danh sách xám” sẽ có những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam. Để gỡ khỏi danh sách này phải có nhiều giải pháp, nhưng khó khăn và phức tạp nhất là hoàn thiện thể chế.

Nhấn mạnh yêu cầu của FATF đối với rất cấp bách, thời gian để thực hiện rất ngắn, nếu chúng ta không chủ động, thực hiện không hiệu quả thì tình hình sẽ rất phức tạp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi nhiều thành viên ban chỉ đạo vắng mặt không dự họp.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho rằng việc FATF chính thức đưa Việt Nam vào danh sách xám có tác động rất lớn, trong khi đây là việc mới, khó, "không trường lớp nào dạy". Do đó, ông mong các bộ ngành hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ này vì đây là nhiệm vụ chung của quốc gia, không phải của riêng NHNN.

Cho biết ngành ngân hàng "thấy luôn" tác động tiêu cực của việc này, ông Dũng thông tin, hôm qua, một ngân hàng thương mại của nhà nước đã báo cáo một số chính sách, quan hệ của ngân hàng này với nước ngoài "đã bị siết, làm tăng cường".

Hàng loạt tác động tiêu cực khi nằm trong “danh sách xám”

Ông Phạm Tiến Dũng điểm ra hàng loạt tác động tiêu cực có thể xảy ra như tăng chi phí các khoản vay, cho vay đối với Việt Nam, chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn FDI do các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thận trọng.

Ngoài ra, việc vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...) không dễ dàng như trước vì có thể thêm các điều kiện ràng buộc việc chấp hành các quy tắc phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Điều này dẫn đến phải chuyển hướng sang các khoản vay thương mại với các điều kiện cao hơn, nhất là về lãi suất.

Theo ước tính của IMF, phần lớn các quốc gia bị giảm vốn đầu tư vào khi nằm trong danh sách xám (trung bình 7,6% GDP, trong đó vốn FDI giảm 3% GDP, vốn qua hệ thống ngân hàng giảm 2% GDP, qua hệ thống tài chính phi ngân hàng giảm 2,4% GDP). Một ảnh hưởng khác của việc này là làm giảm vị thế chính trị, ảnh hưởng danh tiếng, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến hoạt động đối ngoại, hệ thống tài chính ngân hàng.

rt1-df3a.jpg
Những lo ngại về rửa tiền thông qua tài sản ảo

Những hệ quả cụ thể đối với nền kinh tế được dẫn chứng từ câu chuyện của Pakistan, nước này có thể đã thiệt hại khoảng 37 tỉ USD khi nằm trong danh sách xám giai đoạn 2008-2019.

"Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro về rửa tiền cao của EU (Liên minh châu Âu) và có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen nếu không chứng minh được việc hợp tác thực hiện các khuyến nghị của FATF với những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp tăng chi phí kinh doanh hoặc thậm chí ngừng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia (như trường hợp của Myanmar năm 2022)", ông Phạm Tiến Dũng cảnh báo.

Theo ông Dũng, tháng 10.2023, Việt Nam bị FATF đưa vào danh sách các quốc gia có hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo có tầm quan trọng, chính yếu của FATF. Do đó, FATF có thể yêu cầu Việt Nam sẽ phải thực hiện các biện pháp ưu tiên nhằm triển khai khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền liên quan đến tài sản ảo.

Khối lượng công việc đồ sộ nhưng mang lại lợi ích lâu dài

Từng dự cuộc họp với đoàn APG vào làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ với ý kiến của NHNN, cho rằng khối lượng công việc rất lớn, "đồ sộ" mà Việt Nam phải hoàn thành.

“Chúng ta phải xác định việc thực hiện các cam kết để ra khỏi danh sách xám là vấn đề mang tính chất kỹ thuật và pháp lý rất cao, đòi hỏi phải có biện pháp thực chất. Các nước rất coi trọng vấn đề này và thực hiện rất nghiêm túc thì trong vòng hai năm mới có thể ra khỏi danh sách này. Có những nước làm chưa nghiêm túc, 5 năm vẫn chưa ra khỏi danh sách", bà Hằng chia sẻ.

1810pttleminhkhai5-16976134340121619391634-1697613868498-1697613868643421448131.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đã hội nhập thì phải tuân thủ luật chơi chung

Bà Hằng cũng nêu thêm, việc thực hiện các cam kết còn mang lại lợi ích lâu dài về hoàn thiện môi trường thể chế chính sách, thực hiện các chính sách về phòng chống tham nhũng, tội phạm, nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, hình ảnh uy tín đất nước.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đặt ra yêu cầu với ban chỉ đạo "quyết liệt triển khai mọi biện pháp để trong vòng 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám".

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, các cam kết của Việt Nam theo chỉ định của FATF để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; sớm trình Chính phủ phê duyệt báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố; Bộ Công an đẩy mạnh công tác điều tra rửa tiền, nguồn của tội phạm rửa tiền phù hợp với rủi ro rửa tiền đã được xác định trong báo cáo…

Nhấn mạnh yêu cầu không để việc giao nhiệm vụ "giống như thả chim bay, không biết lúc nào quay trở về", Phó thủ tướng ví von và yêu cầu các bộ, ngành phải cộng đồng trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, đề xuất khen thưởng, xử lý kiểm điểm khi không thực hiện hoặc thực hiện không tốt nhiệm vụ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết liệt hành động đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám về chống rửa tiền