Theo một cuộc khảo sát trong tháng 7, người dân Anh đang cảm thấy bi quan về tình hình tài chính hơn bao giờ hết trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây, khoảng 1/3 các công ty và doanh nghiệp trên toàn nước Anh cho biết Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tuyển dụng lao động và hiệu quả kinh doanh.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa Donald Trump sau khi biết kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của người dân Anh đã tuyên bố: “Họ là những người dũng cảm”. Lời nhận định đó của ông Trump là chính xác, người dân Anh quốc thực sự phải rất dũng cảm mới quyết định bỏ phiếu chọn rời khỏi EU, bất kể những hậu quả lớn về kinh tế có thể xảy đến cho đảo quốc này mà rất nhiều những nhà kinh tế, nhà phân tích và các nghiên cứu đã chỉ ra.
Kể cả khi nước Anh đã có một thủ tướng mới – Theresa May – người được mệnh danh là một Bà đầm thép Thatcher thứ hai, thì không phải vì thế mà những khó khăn của họ sẽ vơi bớt đi, thậm chí có vẻ như nó lại ngày càng nhiều thêm. Nước Anh đang tiến vào tâm một cơn bão kinh tế sẽ kéo dài một khoảng thời gian được tính bằng năm.
Một tháng sau thời điểm cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời EU của người dân Anh diễn ra hôm 23.6, những dự báo chính thức về kinh tế xứ sở sương mù cũng đã được các tổ chức quốc tế đưa ra. Quỹtiền tệ quốc tế (IMF) trong bản báo cáo công bố hôm thứ Ba 19.7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm 2016 chỉ còn 1,7% và sẽ tiếp tục đà sụt giảm chỉ còn 1,3% trong năm 2017, thấp hơn so với đà sụt giảm của kinh tế EU còn 1,4% trong năm 2017.
Tân thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nhiệm vụ quan trọng nhất của nội các mới là tránh cho nước Anh khỏi kịch bản một cuộc khủng hoảng kinh tế sau Brexit, và gần như chắc chắn một chính sách hạn chế chi tiêu và thắt lưng buộc bụng sẽ được chính phủ thực hiện trong một vài năm tới.
Theo một cuộc khảo sát trong tháng 7, người dân Anh đang cảm thấy bi quan về tình hình tài chính hơn bao giờ hết trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây, khoảng 1/3 các công ty và doanh nghiệp trên toàn nước Anh cho biết Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tuyển dụng lao động và hiệu quả kinh doanh. Một cuộc khảo sát độc lập ở Kho bạc Anh cũng cho kết quả trong đó mức tăng trưởng trong năm 2017 của Kho bạc Anh sẽ chỉ tăng 0,8% so với mức dự kiến nếu Brexit không diễn ra là 2,1%.
Trong bối cảnh đó, mọi hy vọng của toàn nước Anh đang đổ dồn về nội các mới của tân thủ tướng Theresa May, người được kỳ vọng sẽ lèo lái con thuyền Anh quốc ra khỏi giông bão như cựu thủ tướng Margaret Thatcher đã thực hiện trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20.
Nhưng những kỳ vọng về việc nối lại quan hệ kinh tế thương mại với châu Âu lục địa có thể xoa dịu những vết thương trong nền kinh tế Anh cũng đang ngày càng xa vời, khi mà trong cuộc đàm phán về nối lại quan hệ kinh tế thương mại với EU thì nước Anh cũng đang ở thế yếu hơn khá nhiều để có thể kỳ vọng vào một kết quả khả quan.
Chắc chắn là, việc đàm phán thiết lập lại quan hệ kinh tế thương mại với EU là một trong những vấn đề mang tính sống còn đối với nền kinh tế của nước Anh. Một phần lớn hàng hóa xuất khẩu của nước Anh là đến các nước EU, ngoài ra dịch vụ chiếm khoảng 405 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Anh, mà trong đó 37% có điểm đến là các nước EU.
Về lý thuyết, kịch bản có lợi nhất cho Anh quốc là nước này sẽ nhận được quy chế tương tự như các nước EEA bao gồm Na Uy, Iceland và Liechtenstein; trong đó đặt nền tảng trên 4 yếu tố: sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn giữa các quốc gia này với Liên minh châu Âu mà không gặp bất cứ một trở ngại nào.
Nếu đạt được quy chế này, thì nước Anh có thể khôi phục gần như nguyên trạng mối quan hệ kinh tế-thương mại với EU giống như thời điểm trước Brexit mà gần như không có sự thay đổi nào đáng kể.
Tuy nhiên, kịch bản đó chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt của đại bộ phận người dân đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, vốn không chấp nhận việc tự do di chuyển của người lao động từ EU vào nước Anh. Chưa kể một bộ phận lớn các thành viên trong nội các mới của bà Theresa May cũng sẽ phản đối, khi nội các của bà May sẽ có khoảng phân nửa là những người có quan điểm ủng hộ Brexit.
Và nếu như nước Anh không chấp nhận quy chế giống như các nước EEA, thì chỉ còn một lựa chọn duy nhất: đàm phán lại toàn bộ quy chế về thương mại và kinh tế với EU. Và trong lựa chọn này thì nước Anh đang tỏ ra lép vế hoàn toàn so với Liên minh châu Âu trong vấn đề đàm phán.
Điểm qua các vấn đề kinh tế thương mại căn bản giữa Anh và EU, thì nước Anh đều tỏ ra ở thế yếu trong hầu hết các vấn đề. Về xuất nhập khẩu hàng hóa, thì nước Anh đang chịu thâm hụt thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất EU bao gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan; và về lý thuyết thì bất lợi đang thuộc về các nền kinh tế hàng đầu EU do các nước này đang có thặng dư thương mại với Anh.
Nhưng trên thực tế thì các nền kinh tế hàng đầu EU này sẽ nhanh chóng bù đắp được từ việc xuất khẩu dịch vụ trong Liên minh châu Âu sau khi nước Anh ra đi. Về cơ bản, trước Brexit Anh đang có một thặng dư thương mại về xuất khẩu dịch vụ rất lớn đối với hầu hết các nước EU khi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Anh vào EU chiếm tới 37% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Anh.
Khi Anh rời khỏi EU, thặng dư thương mại từ xuất khẩu dịch vụ này sẽ không còn và tổng mức thiệt hại này cao hơn nhiều so với lợi ích nước này nhận được từ việc chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hóa với các nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Nói cách khác, miếng bánh mà nước Anh đánh rơi sau Brexit to hơn nhiều so với miếng bánh mà các nước EU đánh mất trong mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên.
Rõ ràng là so với thị trường EU lớn hơn và đoàn kết trong việc đàm phán hơn, thì nước Anh đang tỏ ra lẻ loi, yếu thế hơn và dễ bị gây sức ép hơn trong đàm phán kinh tế-thương mại song phương. Ngay cả những lợi thế lớn nhất của kinh tế Anh cũng dễ dàng bị gạt sang một bên trước ưu thế về thị trường và sự đoàn kết của các nước EU.
Điển hình là thị trường nhập khẩu ô tô. Anh đang là thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất châu Âu, chỉ tính riêng việc xuất khẩu ô tô vào thị trường Anh của một mình nước Đức hàng năm cũng đã đem lại cho Đức một khoản thặng dư lên tới 28,3 tỷ euro (tương đương 31,1 tỷ USD). Pháp cũng là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại xuất khẩu ô tô vào Anh lớn nhất.
Tuy nhiên, bà Theresa May sẽ khó có thể sử dụng lợi thế này trong đàm phán để đem về những nhượng bộ từ EU, vì một thỏa thuận kinh tế-thương mại bất kỳ của EU đều sẽ phải do 27 quốc gia thành viên còn lại chấp thuận chứ không chỉ riêng Đức hay Pháp.
Sẽ rất khó khăn để Anh có thể cân bằng lợi ích với tất cả các nước thành viên EU để có thể đem lại một thỏa thuận kinh tế-thương mại song phương có lợi cho nước Anh.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)