Nhiều ĐBQH cho rằng để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, cần có quy định tăng chế độ của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của họ

Rút BHXH 1 lần: Nên tăng chế độ để 'giữ chân' người lao động thay vì hạn chế quyền rút

Lam Thanh | 23/11/2023, 12:35

Nhiều ĐBQH cho rằng để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, cần có quy định tăng chế độ của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của họ

Sáng 23. 11, Quốc hội lần đầu thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH sửa đổi.

Tăng chế độ để giữ chân thay vì hạn chế quyền rút BHXH

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, để hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của họ.

Bà Thái cũng dẫn lại phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 5 về nguyên nhân người lao động rút BHXH 1 lần. Cụ thể, Bộ trưởng đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH dễ dàng như Việt Nam” và đại biểu Thái cho rằng đây cũng là “tính ưu việt của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Đại biểu Thái nêu: Trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khóa 13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động, Bộ LĐ-TB-XH đã đánh giá có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm. “Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 - 2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID -19”.

thai.jpeg
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đang nêu ý kiến tại hội trường

Theo đại biểu, người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt.

"Trên thực tế, tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 – 40. Quá tuổi lao động trên, hầu hết người lao động phải đi xin việc làm các công việc tự do khác", bà Thái nói.

Ngoài ra, đại biểu Thái cho hay dự thảo luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc ở khu vực không chính thức. Điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút BHXH 1 lần. Lý do là do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, người nhiều tuổi rất khó tìm việc.

Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm (đối với nữ) và 35 năm (đối với nam) nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo luật).

Cần cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn

Cũng quan tâm đến việc rút BHXH 1 lần, đại biểu Thạch Phước Bình nêu: “Chính sách điều chỉnh rút BHXH 1 lần sẽ khả thi hơn nếu thực hiện dần từng bước kết hợp giữa việc giảm bớt quyền lợi hưởng và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các quyền lợi ưu tiên khác. Do đó những nỗ lực giảm tình trạng rút BHXH 1 lần nên đi kèm với việc cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn”. 

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần rút kinh nghiệm khi triển khai Điều 60 của Luật BHXH năm 2014.

“Nỗ lực hạn chế việc rút BHXH 1 lần trước đây không được sự đồng thuận của toàn bộ người lao động. Điều này có thể do tốc độ và mức độ điều chỉnh chính sách rút BHXH 1 lần chưa phù hợp; hoặc một phần do mức độ tin cậy thấp vào hệ thống, đặc biệt là thiếu các hình thức hỗ trợ thay thế thu nhập”, ông Bình nêu.

thai-2.jpeg
ĐB Thạch Phước Bình đề nghị giảm tình trạng rút BHXH 1 lần nên đi kèm với việc cung cấp thêm các chế độ trợ cấp

Từ đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm các chính sách cụ thể để giải quyết việc rút BHXH 1 lần theo hướng: Về giảm quyền lợi rút BHXH 1lần, cần thực hiện kết hợp giữa giảm một phần tiền được rút BHXH 1 lần như phương án 2 hiện nay và tăng dần thời gian chờ để được rút bảo khi rút BHXH 1 lần.

Về tăng quyền lợi khác, theo ông Bình, phần lớn người lao động rút BHXH 1 lần đều là người trẻ, chưa có tích lũy, đang trong giai đoạn nuôi con nên có thể cung cấp quyền lợi về trẻ em. Đây đang là chế độ an sinh xã hội duy nhất còn thiếu trọng Luật BHXH, nếu đối chiếu với tiêu chuẩn quốc tế về an sinh xã hội.

Để người lao động có thêm cân nhắc không rút BHXH 1 lần, đại biểu cho rằng phải từng bước hạn chế dần các động cơ rút, nhưng cũng không tạo ra sự thay đổi đột ngột trong chính sách.

“Cách tiếp cận từng bước này sẽ giúp tránh nguy cơ tạo ra làn sóng rút BHXH 1 lần hàng loạt vào năm trước khi luật và các chính sách liên quan có hiệu lực…”, ông Bình nêu.

Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cũng nhấn mạnh rút BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Theo đó, cần đánh giá nguyên nhân dẫn tới gia tăng tình trạng rút để có giải pháp căn cơ.

“Xem xét điều kiện rút thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động”, bà Mai nêu.

Tranh luận về vấn đề rút BHXH 1 lần, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu quan điểm, Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động.

Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động.

“Quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra bằng các hạn chế”, ông Thịnh nói.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng: Nên cho phép người lao động rút BHXH 1 lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH 1 lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách. Khi đó người lao động sẽ được rút tiền đó từ ngân hàng.

“Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH”, ông Thịnh nói.

Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình. Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội".

Đại biểu Dương Khắc Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rút BHXH 1 lần: Nên tăng chế độ để 'giữ chân' người lao động thay vì hạn chế quyền rút