Nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, muốn nhanh chóng thoát cảnh nghèo khó…, rất nhiều cô gái vùng sâu, vùng xa đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ những gã đàn ông xa lạ hoặc vào phục vụ ở các “động quỷ”.
Tổng kết chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương này có 25 phụ nữ bị mua bán chủ yếu sang Trung Quốc (TQ) và 26 người nghi bị bán. Tại Đắk Nông, từ năm 2014 đến nay cũng có trên 40 phụ nữ vắng mặt không lý do, trong đó đã xác định hàng chục người bị bán sang TQ. Nghệ An, Hà Tĩnh… thời gian qua cũng rộ lên tình trạng này.
Sập bẫy kẻ buôn người
Dù phải thông qua người “phiên dịch” khi trò chuyện nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được sự căm phẫn của G.Th.D (20 tuổi; ngụ xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) với người chồng trong mộng. Là một sơn nữ hiền lành, xinh xắn, D. đã khiến bao chàng trai mê mẩn nhưng chỉ có Vàng A Va (ở Đắk Nông) mới chinh phục được trái tim cô.
D. quen Va là do một người bạn tên Nành giới thiệu. Sau nhiều lần gọi điện thoại và 4 lần gặp mặt, Va ngỏ lời cưới D. làm vợ và đề nghị cô về Đắk Nông ra mắt gia đình. Biết chuyện, bố D. đã giục cưới nhưng cô còn chần chừ.
Bẵng một thời gian không thấy Va hỏi han, D. chủ động gọi điện thoại nhưng gã không bắt máy. D. bèn nhờ Nành báo tin cho Va biết nếu gã không đến hỏi cưới thì cô sẽ đi lấy chồng khác. Ngay sau đó, Va có mặt tại nhà D. để “xin cưới” cô.
“Hôm đó, ngày 19.10.2013, Va đến nhà khi em chỉ có một mình. Lúc mời nhau uống nước, em uống phải ly mà Va đã bỏ thuốc mê vào. Uống xong, chân tay em bủn rủn, đầu óc quay cuồng, không còn chút sức lực nào và bị Va dìu lên xe chở đi” - D. nhớ lại.
D. cho biết Va đã thay đổi hơn 10 chuyến xe và mỗi lần đều có người lạ đứng đợi đưa tiền cho gã. “Lúc em tỉnh táo thì đã ở bên đất TQ. Khi ấy Va đã biến mất, chỉ còn 1 phụ nữ và 2 gã đàn ông có khuôn mặt dữ dằn. Ở với 3 người này được khoảng 1 tháng thì em lại bị bán làm vợ một người đàn ông TQ tên Chà” - D. ngậm ngùi.
Những ngày ở với người chồng TQ lạ lẫm, D. khóc suốt vì nhớ nhà. Cô kể: “Chà không cho em ra ngoài khiến cuộc sống rất ngột ngạt, tù túng. Có lần em lấy dao cắt mạch máu tay tự tử nhưng Chà phát hiện ngăn cản. Sau đó, em bị nhốt trong phòng, bị bỏ đói đến khi ngất lịm mới được cho ăn. May sao, trong một lần được Chà đưa đi chợ, em làm quen với một phụ nữ từng bị bán sang TQ 2 năm trước. Em cầu cứu và được người này đưa đến công an TQ trình báo, sau đó được giải thoát về Việt Nam”.
Trường hợp sa chân của bà Lý Thị Dợ (SN 1976; ngụ xã Cư Pui, huyện Krông Bông) còn bi đát hơn khi cả 4 mẹ con, bà cháu đều bị lừa sang TQ. Bà Dợ cho biết đầu tháng 2.2014, có một người lạ rủ bà sang TQ làm thuê với tiền công 9 triệu đồng/tháng. Ngẫm phận mình chồng mất sớm, phải nuôi 4 con nhưng ruộng nương lại ít nên bà quyết tâm ra đi.
“Sang xứ lạ, do không hiểu tiếng TQ nên cuộc kỳ kèo mua bán diễn ra trước mặt mà tui không hề hay biết. Một cặp vợ chồng TQ đã mua tui nhưng 2 ngày sau lại bán cho một gã đàn ông lấy làm vợ. Biết mình bị lừa nhưng tui đành bất lực chấp nhận. Người chồng TQ này không cho tui đi lại tự do. Ngày ngày, tui phải theo gã lên rẫy, bị bắt làm đủ việc nặng nhọc. Suốt một tháng trời, tui không nói năng được gì mà chỉ lầm lũi làm. Nhiều lúc nghĩ đến cái chết nhưng tui không dám liều” - bà cay đắng.
Hơn một tháng sau, trong lần gã chồng TQ dẫn đi ăn cưới, thấy một người mặc đồ công an nên bà Dợ chạy đến cầu cứu, trình báo vụ việc và được giúp đỡ về Việt Nam. Thoát nạn trở về quê nhà, bà Dợ mới hay tin con gái thứ 2 của bà (SN 1996) cũng vừa bị lừa bán sang TQ.
“Trước đó, tháng 10.2012, có người rủ đi TQ làm thuê lương cao nên con gái đầu của tui (SN 1992) đã mang theo đứa con mới 4 tháng tuổi rời nhà, không một lời từ biệt. Hai con tôi chưa từng đi xa bao giờ, không biết hiện chúng sống chết ra sao…” - bà Dợ rầu rĩ.
Vỡ mộng “công nhân lương cao”
Bản Hiển, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nằm lọt giữa núi rừng sát với biên giới Việt - Lào. Trong cái rét như cắt da, cắt thịt, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ trống hoác của chị L.T.G (SN 1980). Thấy người lạ, G. ngại ngùng dò xét, đến khi biết chúng tôi chỉ tìm hiểu cuộc sống của những người bị lừa bán sang TQ, chị mới hết lo lắng và kể lại quãng đời tủi nhục của mình.
“Giữa năm 2013, nghe lời một số người rủ sang TQ làm công nhân lương cao nên tui đã gửi lại 2 con rồi ra đi. Họ đưa tui lên ô tô chở một mạch ra Móng Cái rồi đi đường rừng sang TQ, nhốt trong một căn nhà. Hôm sau, nhiều người đàn ông đến nhìn ngắm tui rồi bàn tán gì đó. Chiều hôm ấy, một gã trên 55 tuổi đến trao tiền cho nhóm người đưa tui sang TQ. Lúc đó, tui mới biết mình bị bán làm vợ người ta” - chị ấm ức.
Phải làm vợ một người xa lạ đáng tuổi bố mình, G. đã khóc lóc, van xin nhưng những kẻ buôn người vẫn không đếm xỉa. Chúng nhận tiền rồi giao chị cho gã đàn ông kia. “Chúng dọa nếu tui không chịu theo ông ta thì sẽ bán vào động mại dâm. Hoảng loạn, tui đành phải về làm vợ gã đàn ông ấy” - chị sụt sùi.
Không tình cảm, ngôn ngữ bất đồng nên 5 tháng phải sống cảnh vợ chồng với người đàn ông xa lạ ở xứ người, G. cảm thấy hết sức cơ cực, tủi nhục. Chị bức xúc: “Mang tiếng là vợ nhưng tui bị đối xử không bằng đứa ở, ngày làm việc quần quật, đêm phải phục vụ nhu cầu sinh lý. Hễ không vừa ý điều gì là những người trong gia đình chồng lại sỉ vả, chửi rủa, đánh đập tui”.
Chịu hết xiết, chị G. đã âm thầm tìm cách liên lạc với gia đình ở Nghệ An để cầu cứu. Dù hết sức túng quẫn nhưng người nhà cũng cố chạy vạy được 15 triệu đồng chuộc chị về. “Mỗi lần nhớ lại những ngày bị bán làm vợ ở TQ, tui vẫn còn hoảng loạn” - chị G. thở dài.
Lừa bán cả người tình
Mới đây, ngày 15.12, TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử lưu động và tuyên phạt Giàng A Lử (SN 1979; ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’long) 8 năm tù về tội “Mua bán người”.
Cuối năm 2014, dù đã có vợ nhưng Lử vẫn tán tỉnh M.T.T (SN 1988; ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong), rủ chị đi ra Bắc “thăm bà nội” rồi khi về sẽ làm đám cưới. Lử đưa T. đến Lào Cai bán cho một người TQ với giá 5.000 nhân dân tệ. Sau khi sang TQ, tên này lại bán chị cho một gã đàn ông lấy làm vợ. Khi gã này đưa chị T. về nhà thì bị công an TQ phát hiện bắt giữ, trả về Việt Nam.
Cao Nguyên - Đức Ngọc - Người lao động