Phần lớn giới trẻ đang “nghiện” đọc những truyện ngôn tình trộn lẫn với các nội dung liên quan đến tình dục, được gắn mác 18+, kiểu như: Người tình giấu mặt, Bảy ngày ân ái, Dụ tình, Khó nhịn ông xã cuồng dã, Chìm trong cuộc yêu…

Sách ngôn tình Trung Quốc đang đầu độc giới trẻ Việt Nam

Một Thế Giới | 02/04/2015, 22:12

Phần lớn giới trẻ đang “nghiện” đọc những truyện ngôn tình trộn lẫn với các nội dung liên quan đến tình dục, được gắn mác 18+, kiểu như: Người tình giấu mặt, Bảy ngày ân ái, Dụ tình, Khó nhịn ông xã cuồng dã, Chìm trong cuộc yêu…

Quá nhiều cuốn sách ngôn tình đang bày trên các quầy của mọi nhà sách và bán tràn lan trên vỉa hè đường phố. Nếu như trước đây, các bậc phụ huynh bận lòng vì con “nghiện” game thì nay cảm thấy lo ngại vì rất nhiều học sinh “nghiện” sách ngôn tình. Điều nguy hiểm là lứa độc giả chính của dòng sách này là các bạn trẻ, ở lứa tuổi đang hình thành nhân cách và chưa hẳn đã có kiến thức để tự định hướng thẩm mỹ văn hóa cho mình.
“Rác” văn hóa
Chỉ một số rất ít các truyện ngôn tình có nội dung nhẹ nhàng, nhân văn như của Cố Mạn, Tào Đình, Minh Hiểu Khê, Dịch Phấn Hàn… Còn lại, phần lớn giới trẻ đang “nghiện” đọc những truyện ngôn tình trộn lẫn với các nội dung liên quan đến tình dục, được gắn mác 18+, kiểu như: Đam mỹ nói về tình yêu đồng giới của những người đàn ông có ngoại hình đẹp; Hủ nữ nói về những cô gái thích đọc truyện, xem phim; Người tình giấu mặt, Bảy ngày ân ái, Dụ tình, Khó nhịn ông xã cuồng dã, Chìm trong cuộc yêu…
Quá nhiều truyện ngôn tình trộn lẫn những chương dung tục chẳng khác gì những cuốn dâm thư. Chuyện quan hệ nam nữ mà dân trên mạng gọi là “H văn” với các “cảnh nóng” được sử dụng thường xuyên, mô tả tỉ mỉ bằng nhiều cách, từ bình thường đến bất bình thường, để “câu” độc giả.
Thường phải đọc vào giữa quyển sách mới đến cao trào của “H văn”. Tác giả Diệp Lạc Vô Tâm là một trong những cái tên sở hữu nhiều nhất thể loại truyện này. Không chỉ có cuốn Ngủ cùng sói, tác giả này còn vô số các cuốn khác với tên gọi khiến độc giả giật nẩy người như: Chờ em lớn nhé được không, Động phòng hoa chúc cách vách, Nụ hôn của sói... Các truyện trong xê-ri Thục nữ PK xã hội đen của tác giả Thuấn Gian Khuynh Thành, Chuyện cũ của Lịch Xuyên, Bạn trai tôi là sói... đều là thể loại có trộn “H văn”, bán rất chạy ngoài quầy sách, mà dạng này khi đăng tải trên mạng cũng lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ cộng đồng mạng. Dù tiêu đề có được người dịch đánh dấu 16+, 18+ nhưng độc giả đông đảo nhất vẫn là lứa tuổi thiếu niên.
Lan truyền như bệnh dịch
Ngôn tình là một thể loại bắt nguồn từ Trung Quốc và bây giờ đã lan sang các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tốc độ phát triển của ngôn tình tại Việt Nam có thể nói đã đạt đến đỉnh điểm.
Văn học mạng Trung Quốc đã đi từ thể loại văn học “thực tế” sang thể loại ngôn tình, đậm chất lãng mạn, mang nhiều yếu tố giả tưởng, siêu thực để đáp ứng thị hiếu của số đông độc giả trẻ Trung Quốc. Mặc dù khi mới ra đời, tiểu thuyết ngôn tình trên các trang web văn học của Trung Quốc không được tin là sẽ tồn tại lâu dài nhưng hiện tại, nó đã chứng minh điều ngược lại và đang thống trị đời sống văn hóa đọc của giới trẻ Trung Quốc.
Sở dĩ ngôn tình phát triển nhanh và mạnh như vậy là bởi bất kỳ ai cũng có thể đăng ký làm người sáng tác trên các trang web. Theo tính toán của những trang văn học mạng lớn nhất Trung Quốc, hằng năm có khoảng vài triệu người đăng ký làm tác giả và viết ra hơn 4 triệu kỳ truyện. Trong số hơn 4 triệu kỳ truyện đó, những truyện đạt lượt truy cập cao sẽ được quảng cáo rầm rộ và trở thành tác phẩm ăn khách… Với đội ngũ hùng hậu như vậy, dễ hiểu vì sao ngôn tình lại phát triển nhanh đến thế.
Tâm lý đám đông và khả năng chưa thật sự điều chỉnh được hành vi của lứa tuổi từ 15 đến 18 khiến rất nhiều bạn trẻ chọn truyện ngôn tình để giải trí mặc dù họ cũng công nhận rằng nó “sến” và tẻ nhạt. Trong khi với nhận thức của người lớn, rõ ràng những thứ “rác văn hóa” này đang lan truyền như một thứ “bệnh dịch”, làm hỏng tâm hồn non nớt của những người trẻ.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc cũng không ít lần phải đưa vấn đề này ra các hội thảo, hội nghị để tìm hướng giải quyết song vẫn chưa có hồi kết. Vậy còn Việt Nam thì sao? Các bậc phụ huynh đang lo lắng vì con nghiện tiểu thuyết ngôn tình hay nói chính xác hơn là tìm hiểu về sex (một cách khá lệch lạc) qua truyện ngôn tình. Còn các cơ quan chức năng thì chưa thấy có động thái gì!
Giới trẻ say mê
Các bạn trẻ hâm mộ cuồng nhiệt thể loại này, tham gia bình luận sôi nổi trên các diễn đàn và chờ đợi, trông ngóng từng truyện được dịch. Gõ cụm từ “truyện ngôn tình” trên phần tìm kiếm của Google, chúng ta sẽ nhận được hàng triệu kết quả là các website, blog cá nhân chuyên dịch và đăng tải thể loại truyện này. Phần lớn các tác phẩm đều được dán mác 16+, 18+ với lượng người xem và tải về cực lớn.
Trên Facebook xuất hiện khá nhiều những hội của người yêu tiểu thuyết ngôn tình, hội các nhóm dịch tiểu thuyết ngôn tình... để chia sẻ cho cộng đồng với lượng fan (người hâm mộ) không kém gì fan K-pop cả về số lượng lẫn độ cuồng nhiệt. Nhiều hội ngôn tình thoải mái trương lên những “slogan” kiểu như “Nơi những tâm hồn biến thái thăng hoa và cái loa rộng mở” khiến người bình thường vừa ghé qua đã “choáng”!
 Minh Tuệ (Theo NLD)
Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách ngôn tình Trung Quốc đang đầu độc giới trẻ Việt Nam