Trên lý thuyết UBND tỉnh TT-Huế hoàn toàn có thể “giải cứu” cho những sai phạm của cá nhân ông Tống Phước Hoàng Hưng và công ty cổ phần Đất xanh Bắc miền Trung nhưng PCT UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh rằng, để làm được điều đó phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.
Những sai phạm được liệt kê như xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép trên đất được Thủ tướng quy hoạch cho cây xanh, tự ý vẽ ra một siêu dự án rồi quảng cáo khắp nơi, rao bán và thu tiền của khách hàng 71 lô đất chưa hoàn tất thủ tục pháp lý dẫn đến người mua phải chờ đợi hơn 1 năm không thể nhận được “sổ đỏ” để xây nhà…Tất cả đều là những sai phạm mà lãnh đạo tỉnh TT-Huế cho là rất nghiêm trọng, tạo tiền lệ xấu về lâu dài.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế biết rõ những tiền lệ xấu mà dự án này để lại nếu hợp thức hóa giúp cá nhân ông Tống Phước Hoàng Hưng và Công ty Đất xanh Bắc miền Trung “lách luật” thành công. Thực tế UBND tỉnh không thiếu cách để hợp thức hóa khu đất được Thủ tướng quy hoạch cho cây xanh thành khu dân cư vì quy hoạch của Thủ tướng là quy hoạch chung có tỷ lệ lên tới 1/25.000.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phan Thiên Định thẳng thắn rằng:
“Hướng xử lý xin điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng gần như không khả thi, bởi UBND tỉnh không thể vì một doanh nghiệp, vì một lô đất hơn 9.000m2 mà phải lập đề án xin điều chỉnh lại quy hoạch được. Trường hợp này nếu có xảy ra thì tỉnh sẽ rà soát chung toàn bộ vướng mắc các huyện, thị xã rồi sau đó mới trình xin ý kiến một lần”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong phần đất Thủ tướng quy hoạch dành cho cây xanh thì được phép sử dụng tối đa 25% ngoài mục đích, nhưng cần xem xét kỹ vì trong dải đất cho cây xanh không thể lọt vào giữa nó là khu dân cư được, ngoài ra sự phân bổ vị trí sử dụng ngoài mục đích trồng cây phải hợp lòng dân.
Về vấn đề lập quy hoạch phân khu, ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: “Để làm quy hoạch phân khu sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, sự phân bổ vị trí sử dụng ngoài mục đích trồng cây khi lập quy hoạch cần phải được xem xét một cách khoa học”.
Hơn nữa, khi một khu đất trong diện quy hoạch cây xanh đã được Thủ tướng phê duyệt, lại dính nhiều sai phạm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, tạo dư luận không tốt thì một khi tỉnh Thừa Thiên-Huế “hô biến” lô đất này thành khu dân cư hợp pháp chắc chắn sẽ có không ít “lời ra tiếng vào”.
“Tỉnh luôn hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tư phát triển địa phương, nhưng sẽ không bao che, giúp đỡ những đơn vị làm bậy, coi thường các quy định”, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Nói là sẽ xử lý thẳng tay, nhưng cho đến lúc này thông báo chỉ đạo 261 của UBND tỉnh gửi các sở ban ngành có liên quan đến sai phạm của dự án “ma” Eco-Lake vẫn đang bị “lơ”.
Trong thông báo 261, UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, địa phương phải rà soát xử lý các sai phạm liên quan đến khu đất của ông Tống Phước Hoàng Hưng và công ty Đất xanh bắc miền Trung rồi báo cáo lại UBND tỉnh trước ngày 10.8, nhưng đến ngày 22.8 vẫn chưa có đơn vị nào báo cáo.
Về phía lãnh đạo tỉnh, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh rằng: “Đến thời điểm hiện tại, chính quyền chỉ khẳng định sẽ đứng về phía dân, nếu những người dân đã làm đơn khiếu tố Công ty Đất xanh Bắc miền Trung muốn nhận lại số tiền mình đã bỏ ra để mua đất, thì chính quyền sẽ làm việc với phía Công ty Đất xanh Bắc miền Trung và cá nhân ông Tống Phước Hoàng Hưng để người dân có được quyền lợi. Còn việc khu đất mà ông Hưng đã bán cho người dân về sau có được giải quyết các thủ tục pháp lý hay không thì phải đợi một thời gian dài nữa mới có câu trả lời”.
Cá nhân ông Tống Phước Hoàng Hưng và Công ty Đất xanh Bắc miền Trung có phải “trả giá” cho những việc làm coi thường quy định của nhà nước hay không, dư luận đang chờ câu trả lời của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những người đã bỏ tiền ra mua 71 lô đất trong dự án “ma” đang chờ đợi chính quyền tỉnh sẽ đứng ra đòi lại những quyền lợi mà họ xứng đáng nhận được.
Quế Sơn