Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bạc Liêu có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang nền kinh tế thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát triển kinh tế nông thôn
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Bạc Liêu đã gặt hái được nhiều thành công, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm OCOP của địa phương từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã đa dạng và phù hợp với thị trường.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có 145 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 31 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 114 sản phẩm đạt hạng 3 sao được cấp cho 69 chủ thể OCOP; có 2 sản phẩm là muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao.
Qua trình sản xuất, các chủ thể từng bước tăng quy mô, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm sau khi được công nhận tăng doanh thu từ 10 - 30%; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Bà Trần Thị Bảy, chủ cơ sở yến sào cao cấp Hùng Nhi, xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu cho biết, khi được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, sản phẩm yến sào cao cấp Hùng Nhi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ được hỗ trợ từ ngành chức năng, sản phẩm đạt chứng nhận lại được trưng bày, quảng bá nên đã được nhiều người biết đến. Từ đó, mức tiêu thụ không ngừng tăng lên và giá trị vì thế cũng được nâng cao.
Theo ngành chuyên môn tỉnh Bạc Liêu, các sản phẩm được công nhận phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh.
Phần lớn sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com (tỉnh Cà Mau), voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook… Đặc biệt, một số sản phẩm còn xuất khẩu qua các thị trường Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore…
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Bên cạnh thuận lợi, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập cần khắc phục trong việc triển khai sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó có vấn đề nổi cộm là nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách rất lớn. Nguyên nhân một phần là do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Phó giám đốc Công ty cổ phần muối Bạc Liêu cho rằng, để đưa sản phẩm OCOP vươn xa, ngành chức năng cần tổ chức hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với chiến lược nâng cao hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói, Công ty cổ phần muối Bạc Liêu đã đưa ra những sản phẩm như: muối hạt truyền thống, muối tinh khiết, muối gia vị, muối quà tặng… vào danh sách sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cao. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh Bạc Liêu ra thế giới.
Đại diện Hợp tác xã (HTX) rau sạch Đoàn Kết ở TP.Bạc Liêu chia sẻ, hiện nay sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều bấp bênh. HTX đã liên kết với một số đơn vị như Nam Nhiên Food, Siêu thị G Bạc Liêu để cung cấp sản phẩm hẹ bông nhưng số lượng không nhiều. HTX đang có nhu cầu mở rộng thị trường liên kết cung cấp sản phẩm, không những sản phẩm OCOP hẹ bông mà còn nhiều sản phẩm khác.
Để Chương trình OCOP của địa phương phát triển xứng tầm, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ thể OCOP xây dựng website để tuyên truyền chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế (Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản...) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời kết nối và quảng bá sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… góp phần tạo sức lan tỏa hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường.