Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN), sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Sẵn sàng cho giai đoạn hậu COVID-19, cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh

Lam Thanh | 22/07/2021, 12:42

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN), sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Minh bạch về tiêm chủng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 ngày 22.7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168.800 tỉ đồng.

quoc-hoi.jpg
Quốc hội nghe báo cáo kinh tế - xã hội

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hướng tới triển khai chiến lược vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tất cả người dân.

Theo ông Thanh, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp như: Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Đồng thời, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vắc xin; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vắc xin trong nước.

Ngoài ra, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.

Cứu DN như cứu người bệnh

Ông Thanh cũng cho hay cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.

Theo đó, thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho DN.

Một vấn đề quan trọng khác là bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng cần có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước và các nguyên vật liệu sản xuất; tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bất thường.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi NSNN chặt chẽ; cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, có biện pháp điều hành thu, chi NSNN kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

“Nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, ông Thanh nêu.

Ủy ban Kinh tế cho rằng phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của DN, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách.

“Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại; Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thí điểm các mô hình kinh doanh mới”, ông Thanh nói.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, cần nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM).

Phân bổ vắc xin hợp lý, miễn dịch cộng đồng vào năm 2022

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 202, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Chính phủ sẽ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình; triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin.

pbn-2.jpg
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống”, Phó thủ tướng yêu cầu, trước mắt cần tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh.

Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả; tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.

Theo Phó thủ tướng, cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vắc xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc xin nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Bài liên quan
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
27 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng cho giai đoạn hậu COVID-19, cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh