Bản tin dịch COVID-19 sáng 28.7 của Bộ Y tế cho biết có 2.861 ca mắc COVID-19, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 2.115 ca.
Số còn lại được ghi nhận tại: Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1) trong đó có 403 ca trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 28.7, Việt Nam ghi nhận tổng 117.121 ca COVD-19, trong đó 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.
Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4, từ 27.4 đến nay là 113.345 ca trong nước (riêng TP.HCM 74.800 ca) , trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 27.7, đã có thêm 258.077 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.
Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.
Tình hình điều trị
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Thêm nhiều đoàn y bác sĩ lên đường vào TP.HCM
Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, chiều 27.7, đoàn cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện sẽ lên đường vào TP.HCM hỗ trợ các đồng nghiệp. Trước đó, sáng ngày 27.7, đoàn công tác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã lên đường vào hỗ trợ các đồng nghiệp; rồi đoàn công tác của Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới Quảng Bình cũng vào TP.HCM hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong sáng ngày 27.7.
Thông tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt phía Nam của Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này đã có hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện có mặt tại TP.HCM, đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế khác, sinh viên, tình nguyện viên.
TP.HCM: Tập trung nhân lực điều trị dịch để giảm ca tử vong do COVID-19
Để thực hiện công tác này, Sở Y tế thành phố sẽ sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế trên địa bàn (bao gồm của TP.HCM và Trung ương) nhằm phân bố trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý, đảm bảo vận hành hiệu quả nguồn nhân lực y tế trong thời gian sắp tới.
Các nhân viên y tế và các sinh viên y khoa các năm cuối đang tham gia công tác lấy mẫu, tiêm vaccine tại các quận, huyện được điều chuyển về tăng cường tham gia công tác theo dõi sức khỏe và điều trị F0 ở khu cách ly và đội taxi cấp cứu 115. Việc lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin do Đoàn Thanh niên, các sinh viên tình nguyện của các trường chuyên ngành khác phối hợp với y tế địa phương, đơn vị y tế thực hiện.
Xem chi tiết: Tại đây
Nâng cấp 200 xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế
Theo HCDC, với số lượng ca nhiễm ngày càng nhiều, Thành phố cần tăng cường hơn nữa hiệu quả chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19; xác định rõ mục tiêu ưu tiên cụ thể cho mỗi tầng trong mô hình điều trị COVID-19 tháp 5 tầng. Cụ thể, ổn định sức khỏe để bệnh nhân sớm khỏi bệnh, xuất viện, giảm số lượng bệnh nhân nhẹ tiến triển thành nặng đối với tầng 1 và 2; giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong, đưa bệnh nhân nặng thành thể nhẹ đối với các tầng cao hơn.
TP.HCM đã có kế hoạch nâng cấp khoảng 200 xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế được trang bị 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu.
Xe và tài xế, nhân viên y tế theo xe sẽ gắn chặt địa bàn thông qua cơ sở cách ly quận huyện. Người dân hoặc cơ sở cách ly quận huyện có nhu cầu chuyển bệnh bấm gọi 115, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận, điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.
Cũng theo HCDC, hiện nay dịch COVID-19 đã lây lan rộng trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận, đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để ngăn chặn. Thành phố cần đặt hiệu quả phòng chống dịch lên hàng đầu và huy động mọi nguồn lực cùng tham gia, không phân biệt công hay tư, quân đội hay dân sự, Trung ương hay địa phương. Người dân cần hy sinh những lợi ích cá nhân, từ bỏ một số thói quen, nhu cầu cá nhân trong một thời gian để tránh những tổn thất khi dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và giãn cách giữa nhà với nhà, giữa người với người, nhất là tại các khu cách ly, phong tỏa.
Indonesia: Hơn 2.000 người chết/ngày; thiếu ôxy và thuốc điều trị
Indonesia ngày 27.7 ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục, với 2.069 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận 45.203 ca mắc mới, tăng mạnh so với 28.228 ca ghi nhận ngày 26.7.
Tình trạng bệnh nhân nặng tăng mạnh khiến Indonesia cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2.500 tấn/ngày. Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ các nước như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Singapore. Tuy nhiên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các bệnh nhân, nhất là ở những tỉnh thành ngoài đảo Java-Bali. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như các nhà máy sản xuất oxy trong nước để sản xuất oxy y tế.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27.7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 91.560 ca mắc mới COVID-19 và 2.485 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 6.912.526 trường hợp và 136.251 ca tử vong. Toàn khối có 5.644.058 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 2.069 ca; Malaysia đứng thứ hai với 207 ca; Thái Lan ghi nhận 118 ca tử vong, trong khi Philippines thêm 72 ca, Campuchia ghi nhận 19 ca.
Với 45.203 ca nhiễm trong ngày 27.7, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.239.936 ca bệnh và 86.835 ca tử vong.
Malaysia có số ca nhiễm mới đứng thứ hai trong khối với 16.117 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.044.071 người, bao gồm 8.408 ca tử vong. Thái Lan đứng thứ ba toàn khối về ca nhiễm mới, với 14.150 ca, nâng tổng ca bệnh lên 526.828, với 4.264 ca tử vong.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận 7.186 ca nhiễm mới; Việt Nam có 7.911 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 110.436; trong khi Campuchia ghi nhận số ca nhiễm giảm đáng kể xuống 685 ca; Lào thêm 169 ca. Theo TTXVN