Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới có thể chỉ tiêu nọ kia không đạt được, nhưng phải làm sao cho nông thôn là nơi đáng sống, nơi chúng ta quay về.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần làm sao để nông thôn là nơi đáng sống, nơi quay về

Lam Thanh | 27/07/2021, 15:30

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới có thể chỉ tiêu nọ kia không đạt được, nhưng phải làm sao cho nông thôn là nơi đáng sống, nơi chúng ta quay về.

Ngày 27.7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết áp lực với ông là rất lớn, bởi chương trình nông thôn mới có độ phủ rất rộng, Bộ NN-PTNT giữ vai trò điều phối, còn thực hiện là 63 tỉnh thành.

la-minh-hoan.png
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan phát biểu tại hội trường

“Mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới có thể chỉ tiêu nọ kia không đạt được, nhưng phải làm sao cho nông thôn là nơi đáng sống, nơi chúng ta quay về. Hình ảnh xúc động những ngày dịch COVID-19 vừa rồi hàng trăm nghìn người, thậm chí cả triệu người từ thành thị trở về nông thôn để tránh dịch đã cho thấy rất nhiều ý nghĩa của vùng nông thôn”, Bộ trưởng Hoan nói.

Về sự trùng lặp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ông Hoan cho biết sau khi làm việc với các bộ trưởng phụ cách các chương trình thì sẽ không để trống các xã nông thôn mới, nếu có chồng lấn thì sẽ tích hợp thêm các giá trị.

Về cơ cấu ngân sách, ông Hoan cho hay các đại biểu mong muốn cơ cấu trung ương nhiều, địa phương giảm đi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh việc huy động nguồn lực khó khăn. Việc này Chính phủ cũng đã cân nhắc và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, với điều kiện ngân sách trung ương hiện tại thì có lẽ chúng ta vẫn phải tạm chấp nhận cơ cấu đó, khi nguồn thu ngân sách tốt hơn Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tăng thêm nguồn lực.

Theo ông Hoan, câu chuyện bền vững liên quan đến thu nhập, sinh kế của người dân. "Tên chương trình trước đây là “xây dựng nông thôn mới”, nên nhiều địa phương, cơ sở thấy chữ xây dựng cứ nghĩ là thiên về hạ tầng, đầu tư xây cầu, đường, trạm, trụ sở…, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đang thiếu quan tâm nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế", ông Hoan nhận xét.

“5 năm trước chỉ trồng 1 ha lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 ha lúa như truyền thống thì không thể tăng thu nhập 1,5 lần được. Nếu chúng ta hỗ trợ tiền cho người dân giảm nghèo để sản xuất mà không kết nối thị trường cho bà con thì cũng không thể tăng gấp 1,5 lần. Do đó tôi cũng mong Quốc hội chia sẻ”, ông Hoan nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNN, những giá trị mới của chương trình là người nông dân tiếp cận tiện ích của đô thị, chú trọng hơn những giá trị mới, phải gắn kết cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, không thể tách rời điều này được. Trong đó nông dân là chủ thể.

Ông Hoan cho hay Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNN xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng, tạo động lực phát triển nông thôn.

Ông Hoan cũng cho rằng cần hướng tới nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghiệp sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến, phát triển thị trường thì mới là hướng tới phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều địa phương khi được phân vốn thì nghĩ sẽ phân cho chương trình gì, nhưng vấn đề kinh tế hợp tác, sinh kế của người dân chưa được chú ý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến việc cần xây dựng những giá trị mới như xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt nông thôn. Tiện ích thì đô thị nhưng hồn cốt, không gian sống cả nghìn năm nay cần phải xem đó là tài nguyên; nâng cao năng lực cộng đồng của người nông dân, để nông dân tiếp cận tri thức mới mẻ, hợp tác với nhau.

Ví dụ trong cơn dịch bệnh, thời gian vừa qua, nông dân chỉ cần biết lên mạng bán hàng là cũng có thể thay đổi được.

“Người nông dân phải được tri thức hóa, thay đổi thì chất lượng sống của người nông dân tăng lên, biết bảo quản, chế biến nông sản, chủ động kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia, trị bệnh cây trồng, vật nuôi… chính là bền vững”, ông Hoan nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng chia sẻ: "Rút kinh nghiệm chương trình lần trước, đội ngũ lãnh đạo xã mới quyết định được thành công, vì cán bộ huyện xuống rồi về, cán bộ tỉnh xuống rồi về, cán bộ trung ương xuống rồi về. Ai là người gần gũi với bà con, sáng ra đồng, tối cùng ngồi với bà con, để thấu cảm với bà con, tìm hiểu được điểm nghẽn, kết nối thị trường… với bà con? Chính là cán bộ xã. Sắp tới, chúng tôi sẽ có những chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ lãnh đạo xã về vấn đề này”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần làm sao để nông thôn là nơi đáng sống, nơi quay về