Đa số những người mưu sinh bằng bán vé số, bán đậu phộng, bán ve chai… đang phải ăn cơm từ thiện hay mì gói để dành tiền trang trải chi phí hằng ngày trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sáng mì gói, trưa cơm từ thiện, chiều nghe đài nói về COVID-19

Tô Văn | 20/06/2021, 15:22

Đa số những người mưu sinh bằng bán vé số, bán đậu phộng, bán ve chai… đang phải ăn cơm từ thiện hay mì gói để dành tiền trang trải chi phí hằng ngày trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nỗi khổ của những người nghèo

Bà Nguyễn Thị Hai (70 tuổi, tạm trú P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên. tỉnh An Giang) dáng đi khập khiễng dưới cái nắng oi bức vẫn cố gắng bước vào các quán cà phê dọc theo đường Ung Văn Khiêm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên để mời khách mua vé số.

1-tu-tam.jpg
Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tình trạng buôn bán ế ẩm, những lao động nghèo trông chờ vào các điểm phát cơm từ thiện - Ảnh: Tô Văn

Tuy nhiên, đi đến đâu các quán cũng đều đóng cửa chỉ bán mang về, khách đâu mà mời. Lắc đầu, thở dài, bà Hai lấy hộp cơm vừa xin được tại 1 cơ sở từ thiện trong giỏ rồi nói: “Khoảng thời gian này là thời điểm khó khăn nhất đối với những người bán vé số dạo. Tôi ở trọ cùng đứa con gái út và 2 cháu, nhưng thấy mình còn sức khỏe nên phụ tiếp bán vé số để đứa con gái đỡ lo phần nào. Lúc chưa dịch bệnh, người ta đi chợ hay uống nước đông lắm. Chỉ đi rảo vài vòng thôi là họ mua ủng hộ hơn 200 vé cũng đủ tiền trang trải”.

Bà Hai nói thêm, bây giờ dịch bệnh phức tạp, hàng quán hạn chế hơn 20 người và chỉ cho mua mang về. Vì vậy, bà và những người chung hoàn cảnh đều bán rất chậm. Đi từ sáng đến trưa, bà mới bán được có 10 tấm vé. Kiểu này tới chiều là "ôm sô".

2-tu-tam.jpg
Một người bán vé số vừa ăn vội hộp cơm từ thiện và ngồi nghỉ mệt để lấy sức đi bán tiếp - Ảnh: Tô Văn

“Con tôi nói dịch bệnh bán ế là tất nhiên. Mẹ ở nhà giữ cháu đi, để nó nuôi. Nhưng tôi không chịu và có nói bán chút nào, đỡ chút đó. Ngoài ra, tôi cũng dặn dò gia đình tằn tiện, tiết kiệm như sáng ăn mì gói, trưa về xin cơm từ thiện, chiều nghe đài, báo xem tình hình dịch bệnh ra sao. Cầu mong dịch tan biến để mọi người bớt khổ, bớt lo nghĩ để giống câu cháu tôi thường hát: “Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối chun lên giường nằm nghe cải lương”. Chứ không phải còn nghe dịch bệnh”, bà Hai móm mém nói.

Được những người dân địa phương thông tin, gia đình chị Bé Ba (53 tuổi, ngụ xã Mỹ Đức, H.Châu Phú, tỉnh An Giang) liền đi bộ đến quán cơm phần 2.000 đồng của nhóm thiện nguyện Tự Tâm tại chợ Mỹ Đức, xã Mỹ Đức vừa mới khai trương nhằm giúp bà con trong hoàn cảnh khó khăn.

Nhận được 3 hộp cơm, chị Bé Ba cùng chồng và đứa con trai đến ngay gốc cây ven đường cách quán cơm chưa đầy 3 mét ăn trong vội vã. Chị Ba nói: “Từ sáng đến giờ, cả gia đình nhịn đói. Giờ này, số tiền lãi bán vé số chưa đủ mua 3 hộp cơm như vậy nếu bán ngoài chợ. Quá ế do khách hạn chế ra ngoài nên chẳng ai mua vé số ủng hộ”.

3-tu-tam.jpg
Các quán cà phê, quán ăn trên địa bàn TP.Long Xuyên hạn chế tập trung quá 20 người - Ảnh: Tô Văn

Tương tự như bà Hai, chị Bé Ba, chị Nguyễn Thị Hạnh (bán đậu phộng , ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, hiện công việc bán đậu phộng thất thu trầm trọng khiến chị không đủ tiền mua cho mình bữa ăn. Chị đành trông chờ vào các điểm phát cơm từ thiện để chống chọi với dịch bệnh.

Những quán cơm từ thiện mọc lên đậm tính nhân văn

Sáng 20.6, quán cơm phần 2.000 đồng của nhóm thiện nguyện Tự Tâm tại chợ Mỹ Đức, H.Châu Phú, tỉnh An Giang chính thức khai trương, mở cửa đón khách. Anh Nam (tình nguyện viên tại quán) cho biết, đây là quán cơm do các cá nhân tự hùn nhau mở nhằm giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Quán cơm 2.000 đồng mở cửa phục vụ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật với dự kiến gần 100 suất ăn mỗi ngày. Thực đơn gồm cơm, canh, các món mặn (cá, thịt) và đồ xào, trái cây tráng miệng. Khi quán cơm 2.000 đồng này đi vào hoạt động ổn định sẽ tăng thêm số suất ăn”, anh Nam nói.

5-tu-tam.jpg
Quán cơm phần 2.000 đồng của nhóm thiện nguyện Tự Tâm vừa mới khai trương mở cửa đón khách - Ảnh: Nam Văn

Anh Nam cũng cho biết thêm, giá mỗi phần cơm là 2.000 đồng, hôm nay khai trương, quán chỉ phục vụ cơm hộp cho bà con đem về chứ không được ngồi lại ăn tại quán. Hiện quán chỉ có khoảng 15 tình nguyện viên gồm: 2 thợ nấu chính và 3 thợ nấu phụ và số người còn lại lau, quét, dọn...

“Quán rất hiểu tâm tư của bà con trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà con mưu sinh rất khó khăn. Vì vậy, chỉ cần thấy bà con lại ủng hộ là thấy ấm lòng. Nhưng hiện tại quán cũng hơi lo lắng là thiếu nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm tiếp quán. Hiện quỹ của quán cũng có giới hạn nên làm tốt được tới đâu thì hay tới đó”, anh Nam bày tỏ.

6-tu-tam.jpg
Một gia đình khó khăn đến nhận cơm tại một cơ sở từ thiện - Ảnh: Nam Văn

Trước đó, vào ngày 5.4, quán cơm Yên Vui 2.000 đồng tại 50 Trần Khánh Dư (chợ Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cũng đã mở cửa đón khách và hỗ trợ hơn 100 suất ăn mỗi ngày cho người nghèo, khó khăn.

 

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng mì gói, trưa cơm từ thiện, chiều nghe đài nói về COVID-19