Ngành giải trí Hàn Quốc như những điệp viên, thường căng đầu đi tìm tài năng nhí để đưa vào lò đào tạo, với những kỷ luật thép như quân đội.
Ở đây cũng luôn có sự đánh đập, độc đoán, mắng chửi và đào thải rất lớn, có những bất công, áp lực… Nhưng bù lại, họ tạo ra những sao thần tượng (Idol) luôn được xem là hoàn hảo trong mắt công chúng, tạo ra các cuộc xâm lăng văn hóa không chỉ các nước khu vực mà cả thế giới khiến nhiều nước lo ngại. Chính chính phủ Hàn Quốc có công tạo ra ngành giải trí thánh thần, song truyền thống văn hóa Nho giáo nhiều đời nay lại là bước đệm để K-Pop cất cánh…
Nhỏ như “kẹo ngậm dở” vẫn phải luyện 17-20 tiếng /ngày
Cuộc sống như địa ngục, thế nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu người trẻ tham gia các vòng thi tuyển làm thực tập sinh cho các tập đoàn giải trí lớn của Hàn Quốc. Dành cả tuổi thanh xuân của mình để nhào lộn, nhảy múa, luyện thanh cho tới học cách ứng xử để mong có ngày trở thành người nổi tiếng. Ngoài sức hút quá lớn từ danh lợi, điều kiện tốt để thỏa mãn đam mê hay đơn giản chỉ là để được đi con đường mình lựa chọn, điều gì đã khiến những đứa trẻ đó quyết tâm tới cùng và đặt mình vào vị trí luôn có thể bị đào thải bất kỳ lúc nào như vậy?
Có những Idol sau khi từ giã ngành giải trí đầy khắc nghiệt, đã tiết lộ rằng họ phải tập luyện liên tục từ khi còn nhỏ, trong một môi trường khắc nghiệt như họ gọi là “lò đào tạo địa ngục”. Họ phải học rất nhiều kỹ năng ngoài chuyên môn ca hát và nhảy múa. Thông thường, lịch học sẽ kéo dài từ 9 – 10h sáng ngày hôm trước đến 2 – 3h sáng ngày hôm sau.
Các thực tập sinh cũng luôn bị theo dõi rất sát sao các chỉ số thể hình. Sana của nhóm nhạc Twice tiết lộ: “Khi đó chúng em ở ký túc xá và cực kì thèm ăn chân giò. Nhưng do có CCTV (máy quay an ninh) ở phía trước cửa nên chúng em không thể ra ngoài nhận hàng, vì vậy em đã nghĩ cách”. Các thành viên đã buộc giây giày lại với nhau để đưa tiền cho người giao hàng thông qua chiếc giày và nhờ người giao hàng cột chân giò vào đầu dây kéo để họ kéo lên.
Áp lực học hành lúc nào cũng rất khủng khiếp. Nhóm nhạc TVXQ từng bị giáo viên mắng mỏ và đánh đòn khi có thái độ tập luyện không tốt. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc công ty giải trí MC, Kim Cheong Fan, ông cảm thấy việc “bị đánh đập cũng chưa phải chuyện gì đáng sợ, có khả năng chịu đựng được thì sau này khi gặp phải chuyện gì khó khăn cũng sẽ không bao giờ thấy sợ hãi. Nếu không chịu được như vậy thì có lẽ bạn không thích hợp với nghề này, nên sớm rút lui để tìm lại chính mình. Đó mới là việc nên làm”. Còn quản lý của các ngôi sao thì cho rằng có đào tạo khắc nghiệt thì các học viên mới “nên người”.
Các thực tập sinh cũng thường phải chờ đợi và trau dồi kỹ năng rất lâu mới được debut (ra mắt công chúng). Anh chàng G. Soul của công ty JYP đã phải làm thực tập sinh 15 năm trước khi được debut làm ca sĩ hát solo. Thủ lĩnh G- Dragon của nhóm nhạc nam thành công nhất Hàn Quốc hiện nay, Bigbang cũng phải chờ đợi 11 năm trong kiên nhẫn mặc dù anh được coi là thần đồng và tham gia vào ngành công nghiệp giải trí từ khi còn rất nhỏ. Hay như những Min (Miss A), Jokwon (2AM) và Jessica (cựu thành viên SNSD) đã làm thực tập sinh trong suốt gần 8 năm.
Đến khi được debut trở thành Idol thì họ vẫn phải làm việc với lịch trình dầy đặc, có khi chỉ được ngủ 30 phút một ngày. Ca sĩ Suzy được mệnh danh là “tình đầu quốc dân” cũng phải thốt lên rằng: “Tôi đã đánh mất nụ cười, từ sau khi ra mắt, tôi chẳng có lấy một phút ngơi nghỉ, dù rất biết ơn nhưng tôi cũng mệt mỏi lắm”.
Hình ảnh tỳ vết dù một chút cũng bỏ đi
Các nghệ sĩ giải trí dù làm trong lĩnh vực có đầy sự ngưỡng mộ của người hâm mộ, tương lai có thể có tầm ảnh hưởng tới toàn khu vực hoặc thế giới, thế nhưng họ cũng phải lao động cật lực và giữ hình ảnh trong sạch nếu không có thể mất tất cả. Xã hội Hàn Quốc là một xã hội khắt khe đối với những người nổi tiếng. Vì sự nổi tiếng đó là tới từ khán giả, họ đem tới cho anh vinh quang thì anh cũng phải có trách nhiệm lại với xã hội. Nếu không, anh sẽ chẳng thể ngẩng cao đầu tại một nơi hình ảnh không tỳ vết của cá nhân là cực kỳ quan trọng.
Tháng 6.2017, ca sĩ TOP của Big Bang bị điều tra vì sử dụng cần sa khiến người hâm mộ choáng váng. Chỉ sau 5 ngày bị cáo buộc, TOP đã bị trục xuất khỏi đơn vị cảnh sát mà anh đang phục vụ trong thời hạn nghĩa vụ quân sự.
Ca sĩ Onew bị một phụ nữ tố cáo có hành động khiếm nhã tại quán bar. Mặc dù nạn nhân đã rút đơn và công ty quản lý khẳng định mọi chuyện chỉ là hiểu lầm. Nhưng nam ca sĩ của nhóm SHINee đã phải dừng mọi hoạt động và rút khỏi dự án Age of Youth 2. Có cả những scandal mà chủ nhân đã được minh oan nhưng cũng đủ khiến các nghệ sĩ mất hết cả sự nghiệp và danh dự. Như Kim Hyun Joong, Yoo Chun, T-ara, Park Bom… dù đã được tòa án trả lại sự trong sạch, nhưng họ cũng không thể lấy lại được sự nghiệp vốn đang lên như diều gặp gió trước đó.
Tất cả các nghệ sĩ, người nổi tiếng ở Hàn Quốc dường như đều cố gắng xây dựng hình ảnh trong sáng, sạch sẽ trong lòng người hâm mộ. Người nổi tiếng, nhất là các Idol trẻ tuổi thì không được phép có scandal, luôn luôn phải xuất hiện với hình ảnh lạc quan, dễ thương và lễ độ với người hâm mộ. Biểu tượng quyến rũ Hyuna, nhóm nhạc với hình tượng mạnh mẽ như 2PM hay “sang chảnh” như BigBang thì khi xuất hiện trước truyền thông cũng phải gập người 90 độ chào hỏi, ăn nói đúng phép lịch sự, cử chỉ ý tứ, ngoan hiền. Họ phải duy trì lối sống lành mạnh, là hình mẫu lý tưởng, bởi đa số người hâm mộ của họ là trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đó là trách nhiệm của một người nổi tiếng đối với xã hội. Giúp định hướng thế hệ trẻ trở thành những người có giáo dục, chăm chỉ và thiện lương. Thế nên không chỉ là đào tạo Idol, các công ty giải trí của Hàn Quốc đều chú trọng việc dạy dỗ các thực tập sinh trở thành người có ý thức với xã hội, có lối sống lành mạnh.
Đoàn kết tạo sức mạnh tinh thần
Các nhóm nhạc Hàn Quốc đều rất đông thành viên, và hầu hết đều dùng số lượng áp đảo và những màn nhảy đồng bộ đến từng chi tiết để gây ấn tượng thị giác cho người xem. Để hát một bài hát nhạc Pop, đâu cần nhiều người tới vậy trong một nhóm nhạc. Thế nhưng người Hàn biết rằng, sự đồng đều, chính xác như xếp hình tại những màn khai mạc Olympic sẽ gây ấn tượng mạnh về thị giác và truyền tải được sức mạnh đoàn kết và hòa hợp. Các thành viên các nhóm nhạc Idol đều có khả năng nhảy múa khớp với nhau một cách hoàn hảo. Họ phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt trên các sàn tập ngày này qua năm khác trước khi được debut. Thậm chí các thành viên phải học cách bỏ qua những bất đồng, cãi cọ để một khi cùng hợp tác, cùng nhau đứng trên sàn diễn, thì mọi hành động đều phải như một.
Từng cứu nguy Đại Hàn
Ít ai có thể ngờ rằng sự ra đời của cơn sóng thần Hàn lưu lại là từ trong khủng hoảng kinh tế. Năm 1997, khi cả châu Á chao đảo vì khủng hoảng tiền tệ, các ngành công nghiệp của Hàn Quốc đóng băng và họ phải vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD.
Trong suy nghĩ của người Hàn, đó là sự ô nhục và đầy đau đớn. Đến mức, Tổng thống lúc đó là ông Kim Young Sam đã thừa nhận trên sóng truyền hình rằng “ngày nào cũng tự đánh mình” do quá xấu hổ vì đã đẩy đất nước vào con đường này. Thế nhưng, Hàn Quốc đã chỉ dùng đến 1/3 số tiền vay và trả hết nợ trước thời hạn 3 năm. Tinh thần vượt khó của dân tộc này vẫn luôn là điều khiến các nước trong khu vực phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên ít ai có thể ngờ rằng, trong lúc bế tắc, một trong những cách “kiếm tiền” của họ lại là bán nhạc và phim. Tổng thống mới nhậm chức Kim Dae Jung, trước thách thức phải giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng đã có một quyết định đầy táo bạo. Xây dựng ngành công nghiệp giải trí có tầm ảnh hưởng quốc tế và gây dựng thương hiệu quốc gia để thu hút đối tác, nhà đầu tư.
Ở một đất nước châu Á đầy khắt khe và nhiều quy tắc, một vị tổng thống đã đích thân gọi điện cho một chuyên gia PR để bàn về kế hoạch PR cho quốc gia của mình bằng văn hóa. Đồng thời, gây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mà không cần cơ sở hạ tầng tốn kém.
Có thể nói chính phủ Hàn Quốc đã có quyết định đúng đắn.Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp K-Pop đã thu về 3,4 tỷ USD trong năm 2011. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay tivi được xuất khẩu. Và giờ đây, khó có thể tin được một trong những công việc của nhân viên Bộ Văn hóa Hàn Quốc lại là nghiên cứu về thực tế ảo và công nghệ ba chiều (hologram) siêu thực để tạo ra một buổi trình diễn chân thực cho các “Thần tượng” K-Pop. Hay nghiên cứu cầu vồng nhân tạo, pháo hoa có thể điều khiển họa tiết theo ý muốn… nhằm phục vụ các sân khấu nghệ thuật hoành tráng bậc nhất.
Có thể nói sự thành công của K-Pop một phần là nhờ những phẩm chất rất quyết liệt của người Hàn Quốc. Phẩm chất đó được hun đúc từ quá khứ đau thương và nhiều mất mát. Cách rèn rũa của người Hàn có thể quá khắc nghiệt và hơi cực đoan nhưng dẫu sao nó cũng khiến các sao trở nên bền bỉ, nhẫn nại để tạo ra những kỳ tích về văn hóa tựa như về công nghiệp và công nghệ của họ. Làn sóng Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc và Nhật Bản lo lắng, thậm chí phát động phong trào chống Hàn lưu. Và quả thật văn hóa Hàn đã lan tỏa và ảnh hưởng tới rất nhiều các quốc gia trên toàn thế giới, từ Mỹ, châu Âu, Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Tây Á cho tới tận châu Phi, châu Úc.
Ảnh 2: Những thần tượng không tỳ vết làm điên đảo người hâm mộ
Nguyễn Hưng (Theo EP, NYT)