“Một chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng, nhưng thuyền trưởng, chủ tàu nói tụi tui phải làm việc không công, vì tiền công ứng trước bọn 'cò' đã nhận đủ”, Sáu Sang cho biết.

Sập bẫy 'cò ngư phủ' và một chuyến ra khơi nhớ đời

Hùng Anh | 13/09/2019, 15:44

“Một chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng, nhưng thuyền trưởng, chủ tàu nói tụi tui phải làm việc không công, vì tiền công ứng trước bọn 'cò' đã nhận đủ”, Sáu Sang cho biết.

Sập bẫy “cò ngư phủ”

Sáu Sang - quê gốc ở vùng chuyên trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp, năm nay 25 tuổi, hiện đang làm công nhân trong mộtxí nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Trước khi đi làm công nhân, Sáu Sang từng có thời gian làm ngư phủ trên tàu đánh cá. Đời ngư phủ của Sáu Sang chỉ kéo dài 2 tháng, nhưng rất ít khi anh chàng nhắc lại quãng thời gian này. Gặng hỏi, Sáu Sang chỉ nói ngắn gọn: “Cực nhọc và buồn lắm, chẳng muốn nhớ lại làm gì”.

Sáu Sang kể, giữa năm 2018, do ở quê nhà làm ruộng mùa trúng, mùa thất, giá lúa lại khi trồi khi sụt, nên anh gom góp ít tiền dành dụm lận lưng, theo bạn bè lên TP.HCM tìm việc làm. Trong lúc lang thang đi xin việc, Sáu Sang tình cờ gặp mộtngười đàn ông xưng tên là Hải, tự giới thiệu là đang đi tìm nhân công. Nghe vậy, Sáu Sang mừng rỡ hỏi thăm Hải cần người làm việc gì, thì ông ta cho biết đang tìm người đi làm ngư phủ trên tàu đánh cá, công việc không nặng nhọc mà lương cao, thu nhập 1 tháng hơn 10 triệu đồng.

Do quanh năm quanh quẩn trên ruộng lúa, chưa mộtlần bước chân lên tàu đánh cá ra biển khơi, nên Sáu Sang ngần ngừ. Thấy vậy, Hải đưa cho Sáu Sang số điện thoại di động, kêu anh cứ về suy nghĩ, nếu chấp nhận đi làm thì gọi cho ông ta, có bao nhiêu bạn bè muốn đi làm ngư phủ thì Hải cũng nhận hết, vì việc đang cần người.

Sau mấy ngày suy nghĩ, Sáu Sang thấy cơ hội xin vào làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp quá khó vì anh không có tay nghề, trong khi đi làm ngư phủ mỗi tháng có hơn chục triệu đồng, thu nhập gấp mấy lần trồng lúa, nên Sang gọi điện cho Hải. Sau khi Sang đồng ý, Hải hẹn ngày đón anh ở Bến xe miền Tây.

“Khi tui đến nơi thì thấy Hải đã mua sẳn vé xe đi Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Cùng đi với tui còn có 5 thanh niên khác là người ở nhiều tỉnh. Trên đường đi mọi chuyện ăn uống của cả bọn đều do Hải chi trả, tiền nhà trọ, cơm nước ở Rạch Giá, Hải cũng lo luôn. Ông Hải nói, biết tụi tui không có tiền nên ổng lo trước, khi chủ tàu nhận tụi tui làm ngư phủ thì họ sẽ trả lại tiền chi phí cho ổng, tụi tui khỏi phải lo”, Sáu Sang nhớ lại.

Sau 2 ngày ở lại TP.Rạch Giá, Hải đưa Sáu Sang và 2 thanh niên cùng đi ra cảng cá gặp mộtngười đàn ông là chủ 1 tàu đánh bắt xa bờ. Ông chủ tàu khẳng định mỗi chuyến biển nếu trúng thì thu nhập của “bạn tàu”, tức ngư phủ phải trên 10 triệu đồng, còn biển thất thì trừ hết toàn bộ chi phí xăng dầu, cơm nước của chuyến đi, mỗi “bạn” cũng được 4 - 5 triệu đồng. Do tàu sắp đi đánh bắt nên ông chủ tàu yêu cầu Sáu Sang và những người đi cùng đưa CMND để đăng ký vào danh sách thuyền viên, trình với trạm kiểm soát biên phòng mới được ra biển. Tối hôm đó tàu nhổ neo rời cảng cá ra khơi.

“Trên đường ra vùng đánh bắt trên biển, tui nghe mấy ngư phủ lâu năm nói trước khi tàu ra khơi thì chủ tàu đều cho ngư phủ ứng trước tiền công để gửi về nhà cho vợ con, thân nhân sinh sống, vì mỗi chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng trời. Khi tui hỏi thuyền trưởng vì sao mấy anh em ngư phủ mới tụi tui không được ứng trước tiền công thì thuyền trưởng nói không biết, để liên lạc với chủ tàu hỏi lại.

Trên bộ đàm, tui nghe ông chủ tàu nói tiền công ứng trước của tụi tui mỗi người 10 triệu đồng ông Hải đã… đại diện nhận hết, nói để gửi về cho gia đình tụi tui. Nhưng thật sự tụi tui chỉ gặp ông Hải ở ngoài đường, ổng có biết nhà cửa của tụi tui ở đâu để mà gửi tiền, nên tui biết mình đã… sập bẫy lừa”, Sáu Sang buồn rầu nhớ lại.

Muốn về thì… nhảy xuống biển mà bơi về

Sáu Sang kể, sau khi biết bị lừa, anh yêu cầu thuyền trưởng cho tàu quay vào bờ để anh về nhà, nhưng thuyền trưởng không đồng ý, nói đã ứng tiền công trước thì phải làm việc. Biển cả mênh mông nên Sáu Sang không biết phải làm thế nào, đành chấp nhận ở lại tàu làm việc.

Nghề ngư phủ đầy cực nhọc, hiểm nguy, đang là mảnh đất màu mỡ để đám “cò ngư phủ” trục lợi - Ảnh: Thanh Anh

“Những ngày đầu do chưa quen việc đi biển nên tui bị say sóng, ói tới mật xanh mật vàng, đứng không vững té lên té xuống. Nhưng thuyền trưởng nói, nếu không làm việc thì… không được ăn cơm, nên tui và 2 anh bạn cùng bị lừa phải cắn răng làm mọi việc thuyền trưởng phân công. May mà có mấy anh ngư phủ lâu năm có kinh nghiệm giúp đỡ bảo ban nên tụi tui mới không bị nhịn đói”, Sáu Sang nhớ lại.

Khi tàu ra đến ngư trường bắt đầu đánh cá, Sáu Sang mới biết lời hứa “việc nhẹ, thu nhập cao” của ông Hải chỉ là những chiêu dụ dỗ để lừa người nhẹ dạ cả tin. Bất kể ngày hay đêm, hễ phát hiện luồng cá là Sáu Sang phải cùng mọi người trên tàu bật dậy lo đánh cá, nếu chậm chạp sẽ bị thuyền trưởng chửi mắng thậm tệ, thậm chí còn bị hành hung. Chưa đầy nửa tháng ra khơi, Sáu Sang đen nhẻm gầy rộc, cả người phờ phạc, nhưng vẫn phải ráng sức làm việc nếu không muốn bị thuyền trưởng mắng mỏ, đánh đập, bỏ đói.

“Hồi đi tàu đánh cá, hễ rảnh được phút nào là tui tranh thủ kiếm chỗ để ngủ, vì quá mệt. Nhưng trên tàu đánh cá hầu như không hết việc làm, đánh cá xong thì lo vá sửa lưới, làm đủ thứ việc khác. Nhưng việc làm tui kinh hãi nhất là chuyện… đi vệ sinh. Trên tàu cá không có chỗ dành cho nhà vệ sinh, nên lần nào đi vệ sinh tui cũng phải lấy dây thừng buộc chặt ngang hông, 1 đầu thì buộc vào những nơi chắc chắn trên tàu, nếu không làm như vậy thì dễ rơi xuống biển làm mồi cho cá”, Sáu Sang nhớ lại.

Theo lời Sáu Sang, mỗi lần thấy khoang tàu đầy cá thì anh lại khấp khởi mừng thầm vì nghĩ rằng tàu sắp quay về bến và anh được về nhà. Nhưng điều làm Sáu Sang vô cùng thất vọng là mỗi khi cá đầy khoang tàu thì lại có chiếc tàu rỗi lù lù ghé vào thu mua hết cá ngay trên biển, sau đó chiếc tàu đánh cá nơi anh làm việc lại tiếp tục đi đánh bắt mẻ cá khác.

“Nhiều lúc cực nhọc quá, nhớ nhà và tức chuyện bị tên Hải lừa tiền công nên tui phản ứng với thuyền trưởng, yêu cầu ông ta quay tàu trở vào bờ để tui được về nhà. Những lần như vậy thuyền trưởng chỉ cười gằn, nói: “Muốn về thì cứ… nhảy xuống biển mà bơi về”, còn tàu phải đi đánh cá tiếp, nên tui chỉ còn biết cắn răng chịu đựng cho hết chuyến biển”, Sáu Sang kể.

Sau 2 tháng lênh đênh trên biển, cuối cùng Sáu Sang cũng về đến đất liền, trước khi về nhà chỉ được chủ tàu đánh cá trả công thêm 5 triệu đồng với lý do… biển thất. Dù cố hết sức liên hệ nhưng Sáu Sang không tài nào gọi điện được cho tên Hải để đòi tiền. Sau khi xin được chân công nhân ở Bình Dương, nhiều lần Sáu Sang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về TP.HCM, tìm đến nơi lần đầu tiên quen biết Hải với hy vọng sẽ gặp gã “cò ngư phủ” để tính sổ, nhưng tên này đã lặn mất tăm.

Theo ông Năm Đ., mộtchủ tàu đánh cá ở tỉnh Tiền Giang, thời gian gần đây do nguồn lợi trên biển ngày càng ít trong khi số lượng tàu đánh cá quá nhiều, thu nhập từ nghề ngư phủ cũng giảm, nên các chủ tàu rất khó tìm được “bạn tàu”. Từ đó mới xuất hiện bọn “cò ngư phủ”. Ông Đ. cho biết, rất khó nhận biết đám “cò ngư phủ”, vì bọn này không hoạt động lâu ở một địa bàn.

“Tụi này hoạt động rất tinh vi, khéo léo. Khi đến gặp chủ tàu để giới thiệu “bạn tàu”, bọn chúng đều xưng là người nhà của các nạn nhân và xin ứng trước tiền công để đưa cho thân nhân của họ, nhưng thực sự là chúng chiếm đoạt hết, chủ tàu khó lòng phân biệt trắng đen. Với tiền công ứng trước cả chục triệu đồng/ngư phủ, số tiền bọn “cò ngư phủ” bỏ ra để lo vé xe, chi phí ăn uống, nhà trọ cho các nạn nhân chẳng thấm vào đâu so với số tiền bọn chúng chiếm đoạt được”, ông Đ. nhận xét.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sập bẫy 'cò ngư phủ' và một chuyến ra khơi nhớ đời