Theo Fast Company, hai công ty, một của Phần Lan và một của Mỹ đang chuẩn bị phóng lên vũ trụ hẳn “một chòm sao” bao gồm các vệ tinh nhỏ rẻ tiền, nhưng lại làm tăng khả năng theo dõi lên gấp nhiều lần.
Mặc dù trên thế giới có sự gia tăng giám sát ở cấp nhà nước trong thập kỷ rưỡi qua kể từ vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, khả năng của các vệ tinh do thám vẫn cần được cải thiện. Những gì các vệ tinh có khả năng thực hiện ở mức tối đa là chụp nhữngbức ảnh riêng biệt của bề mặt trái đất mà không hề có sự giám sát liên tục, nhưng sắp tới mọi thứ sẽ thay đổi.
Theo Fast Company, hai công ty, một của Phần Lan và một của Mỹ đang chuẩn bị phóng lên vũ trụ hẳn “một chòm sao” bao gồm các vệ tinh nhỏ rẻ tiền, nhưng lại làm tăng khả năng theo dõi lên gấp nhiều lần. Chi phí thấp sẽ cho phép nhiều khách hàng sử dụng chúng, một việc làm khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại.
Công ty Phần Lan ICEYE và công ty Mỹ Capella Space dự định triển khai kế hoạch này ngay trong năm tới với cơ sở là công nghệ SAR (Synthetic Aperture Radar), cho phép quét mặt đất nhanh chóng bất kể điều kiện ánh sáng và độ che phủ mây như thế nào. Các vệ tinh có SAR hiện đang tồn tại, nhưng thường là các thiết bị cồng kềnh. Capella và ICEYE dự định lắp đặt SAR cho các vệ tinh nhỏ không tốn kém trong sản xuất và phóng lên quỹ đạo. Các vệ tinh nhỏ này có dạng hình lập phương với chiều dài khoảng nửa mét (trong khi các vệ tinh có SAR nhỏ nhất được sản xuất cho đến nay thường lớn gấp 100 lần).
Điều này sẽ cho phép tất cả các khách hàng có được một “chòm sao” gồm các vệ tinh, liên tục quét bất kỳ một điểm nào trên trái đất và giảm đáng kể giá của các bức ảnh chụp trên quỹ đạo có độ phân giải cao. Công ty ICEYE sẽ tiến hành vụ phóng đầu tiên vào tháng 1.2018, còn công ty Capella sẽ phóng vệ tinh đầu tiên vào tháng 6.
Theo tính toán của ICEYE, 18 vệ tinh sẽ cung cấp một bản cập nhật hình ảnh 2 giờ 1 lần. Capella dự định phóng ít nhất 36 vệ tinh, cho phép quan sát mọi nơi trên hành tinh mỗi giờ 1 lần. Đại diện của Capella tin rằng luồng hình ảnh vệ tinh sẽ là yếu tố quyết định cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Ngày nay, dữ liệu từ vệ tinh được sử dụng trong phân tích kinh doanh để đánh giá hiệu suất của các cảng biển, sức chứa của các bể chứa dầu và số lượng xe hơi tại các bãi đậu xe của các trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, những dữ liệu này còn sơ sài vì việc thu thập dữ liệu được thực hiện không thường xuyên, chỉ hơn 1 lần mỗi ngày và phụ thuộc vào độ che phủ của các đám mây.
Giới quân đội tỏ ra đặc biệt quan tâm đến công nghệ mới này. Lầu Năm Góc đang hỗ trợ tài chính cho cả hai công ty, nhưng cả Capella lẫn ICEYE đều không đưa ra bình luận gì về các hợp đồng có thể của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, hiển nhiên là tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công nghệ mới. Việc giám sát liên tục bề mặt của hành tinh sẽ cho thấy sự tập trung của quân đội đối phương, sự di cư của người tị nạn và hậu quả của lũ lụt. Kết hợp với phân tích máy tính về hình ảnh vệ tinh, khách hàng sẽ có thể dự đoán chính xác về các sự kiện không thể tránh khỏi. Theo dõi suốt ngày đêm toàn bộ bề mặt của trái đất sẽ trở thành hiện thực trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Tuy nhiên, giám sát liên tục của một cá nhân sẽ vẫn là một chuyện xa vời ngay cả khi có hệ thống các vệ tinh mới.
Vũ Trung Hương