Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Bộ Công Thương vừa phê duyệt Chiến dịch thanh, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10.2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Công Thương cho biết kế hoạch này nhằm chủ động xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đến hết năm 2020; sau đó xem xétchuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.
Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng phát hiện, tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong thương mại điện tử.
Việc kiểm tra cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn giúp đỡ các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Các địa bàn trọng điểm nằm trong chiến dịch kiểm tra là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.
Báo cáo thống kê cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đang tăng tốc với mức tăng trưởng trung bình một năm từ 25-30%. Năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lên tới 8 tỉ USD.
Tuy nhiên, Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết trong những năm gần đây thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều gian hàng đăng hình ảnh hàng thật để thu hút người tiêu dùng nhưng lại bán hàng giả, hàng nhái giá rẻ, nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo…
Thậm chí nhiều sản phẩm cao cấp hơn cũng bị làm giả, làm nhái để bán với giá rẻ hơn giá thị trường. Điển hình như đồng hồ Rolex E10, Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm trên một số trang mua bán trực tuyến, trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Bên cạnh đó nhiều website, mạng xã hội nước ngoài nhất là của Trung Quốc về mua sắm, bán lẻ, du lịch, khách sạn... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát gây thất thu thuế, tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tuồn vào. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu trên mạng bao gồm: thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, thời trang, hàng tiêu dùng có giá trị.
Tuyết Nhung