Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chủ trương siết dần tín dụng ngoại tệ tiến tới dừng cho vay ngoại tệ nhằm để chống đô la hóa đã được thực hiện từ cách đây 7 năm và các doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị, chủ động chuyển dần từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua –- bán mà không bị đột ngột.
Trao đổi với báo chí về quyết định dừng cho vay ngoại tệ từ ngày 1.10 có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcĐào Minh Tú cho biết trên thế giới từ lâu đã hạn chế việc vay mượn bằng ngoại tệ, mua bán ngoại tệ. Trong điều kiện nền kinh tế ổn định, dự trữ ngoại tệ và cân đối được trạng thái ngoại tệ. Theo đó, trong trung hạn và dài hạn thì đây chính là điều kiện hợp lý để chấm dứt việc cho vay ngoại tệ.
"Đây cũng là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong việc hạn chế và tiến tới là chấm dứt cho vay ngoại tệ trước hết là ngắn hạn, sau là đến trung và dài hạn. Đáng nhẽ ra phải làm sớm hơn, nhưng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tính chất đặc thù. Đây không phải là chính sách đột ngột gì với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã lường trước một cách chủ động", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trạng thái ngoại tệ được cân đối và dự trữ ngoại hối quốc gia lên tới 70 tỉ USD hiện nay là điều kiện thuận lợi để dừng cho vay ngoại tệ."Các tổ chức tín dụng được phép mua bán ngoại tệ, cùng với quỹ dự trữ ngoại hối khoảng 70 tỉ USD, chúng tôi thấy rằng kết thúc cho vay ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán thời điểm này là hợp lý", Phó Thống đốc đánh giá.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc giữ được chính sách tỷ giá ổn định cũng giúp cho quan hệ mua bán ngoại tệ diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, tiền đồng ổn định và lãi suất hợp lý cũng sẽ giúp doanh nghiệp chuyển từ vay ngoại tệ sang vay nội tệ không gặp xáo trộn lớn trong kinh doanh.
Trong những tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16.9, Ngân hàng Nhà nước giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tuyết Nhung