Pháp đã đồng ý để đại sứ quay lại Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thề sẽ không loại Paris ra khỏi các quyết định quốc phòng quan trọng trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau cuộc điện đàm của 2 tổng thống, Pháp ngậm bồ hòn làm ngọt, đưa đại sứ trở lại Mỹ

Anh Tú | 23/09/2021, 07:49

Pháp đã đồng ý để đại sứ quay lại Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thề sẽ không loại Paris ra khỏi các quyết định quốc phòng quan trọng trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Động thái trên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra sau cuộc điện đàm Mỹ - Pháp nhằm xoa dịu cơn giận dữ của Paris do Mỹ - Anh đạt được thỏa thuận tàu ngầm với Úc ngay sau lưng Pháp.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau khi cuộc điện đàm, đã kết thúc 5 ngày bế tắc giữa các nhà lãnh đạo. Trong tuyên bố, hai lãnh đạo Mỹ - Pháp đã đồng ý gặp nhau ở châu Âu vào cuối tháng 10, có thể là tại hội nghị thượng đỉnh G20, để thảo luận về cách cải thiện các cuộc tham vấn trong tương lai.

Tổng thống Macron cho biết ông sẽ cử đại sứ trở lại Washington vào tuần tới, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ hoặc Úc sẽ đảo ngược quyết định hợp tác đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một quyết định khiến Canberra phải hủy bỏ hợp đồng 56 tỉ euro đóng tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Pháp.

Thay vào đó, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ thêm cho các hoạt động chống khủng bố do Pháp chỉ huy ở Sahel. Tuyên bố chung cũng tìm cách bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Mỹ coi nước Pháp có tư tưởng độc lập là đối tác không đáng tin cậy trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng là mục đích chính của hiệp ước Aukus.

Trong khi câu chữ chỉ dừng lại ở một lời xin lỗi và không đưa ra biện pháp khắc phục thực tế nào, tuyên bố chung đã thừa nhận rằng người Pháp lẽ ra nên được tham khảo ý kiến ​​tốt hơn và xứng đáng được như vậy trong tương lai.

Tuyên bố cũng nêu: “Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng tình hình sẽ có lợi từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu. Tổng thống Biden đã truyền đạt cam kết liên tục về vấn đề đó”.

Tuyên bố nói thêm: “Các nhà lãnh đạo đã quyết định mở một quá trình tham vấn sâu, nhằm tạo điều kiện đảm bảo lòng tin và đề xuất các biện pháp cụ thể hướng tới các mục tiêu chung… Tổng thống Biden tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của sự tham gia của Pháp và châu Âu trong Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Cuộc họp vào tháng 10 đang được coi là “cơ hội để đạt được những hiểu biết được chia sẻ và duy trì động lực trong quá trình này”.

Mặc dù Mỹ và Anh cho biết không có nỗ lực loại trừ Pháp khỏi các hoạt động phòng thủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng sự bí mật xung quanh hiệp ước và một số câu từ trong tuyên bố đã tạo ra cảm giác mạnh mẽ rằng ba nước coi là liên minh nói tiếng Anh này mới là cốt lõi trong chiến lược của Mỹ chống lại Trung Quốc.

Người phát ngôn của chính phủ Pháp trước cuộc điện đàm cho biết đây sẽ là cơ hội để làm rõ cách thức Mỹ đưa ra thông điệp và cách Mỹ có thể tái gắn kết mối quan hệ với một đồng minh.

Tuần trước, Pháp cho biết họ đã bị Mỹ đâm sau lưng và mô tả cách đối xử của Biden với các đối tác châu Âu gợi nhớ đến Donald Trump.

Tổng thống Biden, người hứa hẹn ngoại giao không ngừng trong bài phát biểu trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21.9 đã tìm cách nói chuyện với đồng cấp Macron ngay từ cuối tuần trước. Điện Élysée đã triệu hồi các đại sứ của mình tại Washington và Canberra vào thứ sáu tuần trước về nước để tham vấn. Động thái của Pháp thể hiện dấu hiệu của sự tức giận sâu sắc về việc Mỹ - Anh – Úc giữ bí mật hiệp ước an ninh suốt 1 tháng mà không hề chia sẻ với Pháp, bất chấp Pháp là đồng minh và có chiến lược lâu dài với an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, Aukus làm Pháp cảm thấy họ bị đánh cắp hợp đồng quốc phòng có giá trị hàng chục tỉ USD.

Washington có vẻ sửng sốt trước sự giận dữ của Pháp nhưng nhận ra rằng nước này cần phải tìm cách ngăn chặn một cuộc tranh cãi có nguy cơ gây tổn hại đến danh tiếng của Biden ở châu Âu.

Nguy hiểm hơn, một số nhà quan sát đã mô tả việc Biden gây thù chuốc oán với Pháp là "một sai lầm, tương đương với sự mù quáng mang tính chiến lược sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau cuộc điện đàm của 2 tổng thống, Pháp ngậm bồ hòn làm ngọt, đưa đại sứ trở lại Mỹ