Kể từ năm 2011 đến nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện bán vốn tại 422 doanh nghiệp với giá trị trên 4.300 tỉ đồng, thu về hơn 10.800 tỉ đồng, gấp 2,5 lần giá trị đầu tư, tương đương với thặng dư gần 6.500 tỉ đồng.
Đã thoái vốn tại 557 doanh nghiệp nhà nước
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi đến Quốc hội về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2011- 2015, đã có 508 doanh nghiệp được cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng
Còn tính trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 49 doanh nghiệp được cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 31.938 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.289 tỉ đồng.
Như vậy, lũy kế từ 2011 đến tháng 9.2016 đã có 557 doanh nghiệp được cổ phần hóa, với giá trị thực tế đạt gần 800.000 tỉ đồng.
Riêng công tác thoái vốn đầu tư tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bao gồm: Chứng khoán, Bảo hiểm, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản, Quỹ đầu tư), trong giai đoạn 2011- 2015, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã thoái được 11.036 tỉ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng .
Như vậy, số thu về đã giảm so với sổ sách gần 300 tỉ đồng. Nguyên nhân là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thoái 800 tỉ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Còn tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thoái được 481 tỉ đồng, thu về 441 tỷ đồng.
Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ thoái 100,6 tỉ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ nhưng chỉ thu về được 18,3 tỉ đồng.
Như vậy, lũy kế giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã thoái 11.517 tỉ đồng, thu về 11.183 tỉ đồng.
SCIC thoái vốn tại 422 DNNN: Lãi lớn gần 6.500 tỉ đồng
Về công tác thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 368 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 336 doanh nghiệp, bán bớt vốn nhà nước tại 30 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 2 doanh nghiệp.
Tổng giá trị thu về đạt 6.998 tỉ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư (2.940 tỉ đồng), thặng dư bán vốn là 4.058 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, SCIC đã bán vốn tại 54 doanh nghiệp với giá trị là 1.442 tỉ đồng, thu về 3.818 tỉ đồng, thặng dư bán vốn là 2.376 tỉ đồng.
Như vậy, nếu tính lũy kế giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng năm 2016, SCIC đã thoái đươc hơn 4.300 tỉ đồng, thu về trên 10.800 tỉ đồng (gấp 2,5 lần giá trị đầu tư), lãi gần 6.500 tỉ đồng.
Đánh giá về công tác thoái vốn DNNN trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm, việc giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai.
Việc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng còn chậm.
Nguyên nhân theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.
Đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tình hình tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính còn cho rằng, một phần nguyên nhân do thời điểm phê duyệt đề án tái cơ cấu của một số Bộ, địa phương tại một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu.
Một số Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên các sàn chứng khoán tập trung.
Việc nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu thời gian đầu thực hiện Đề án...
Duyên Duyên