Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có tổng số nợ phải trả là 1,547 triệu tỉ đồng. Trong đó, một số đơn vị có nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng tương đối lớn như EVN, Vinacomin, Tập đoàn Hóa chất, Viettel...

EVN, Vinacomin, Tập đoàn Hóa chất... dẫn đầu về vay nợ ngân hàng

Duyên Duyên | 25/10/2016, 14:27

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có tổng số nợ phải trả là 1,547 triệu tỉ đồng. Trong đó, một số đơn vị có nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng tương đối lớn như EVN, Vinacomin, Tập đoàn Hóa chất, Viettel...

83 tập đoàn, tổng công ty nợ 1,547 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của Chính phủ gửi đến Quốc hội khóa XIV cho biết, kết thúc năm 2015, 7 tập đoàn và 76 tổng công ty tổng số nợ phải trả là 1,547 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2014.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/nốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.

Mặt khác, nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các 83 tập đoàn, tổng công ty là 355.819 tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2014.

Đáng chú ý, một số đơn vị có số nợ vay từ các ngân hàng tương đối lớn như: EVN (vay 134.014 tỉ đồng); Vinacomin (vay 42.743 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất (vay 29.997 tỉ đồng); Viettel (vay 16.313 tỉ đồng); Tổng công ty Hàng hải (14.734 tỉ đồng)...

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty năm 2015 là 348.189 tỉ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn là 38.942 tỉ đồng và vay dài hạn là 309.246 tỉ đồng.

Cụ thể, các khoản vay lại vốn ODA của Chính phủ là 121.098 tỉ đồng. Vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 97.179 tỉ đồng. Vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 62.035 tỉ đồng, còn lại là các hình thức huy động khác.

Còn theo báo cáo của các công ty mẹ, nợ nước ngoài là 300.230 tỉ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 208.962 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là 23.645 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoán sản Việt Nam là 22.845 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là 13.119 tỉ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân năm 2015 là 0,55 lần, trong đó công ty mẹ là 0,44 lần.

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) bình quân năm 2015 là 1,82 lần, trong đó công ty mẹ là 2,26 lần.

Báo cáo của công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 862.798 tỉ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 0,8 lần.

Thông qua các chỉ tiêu trên, Chính phủ đánh giá tổng nợ phải trả của các công ty mẹ - doanh nghiệp nhà nước luôn nhỏ hơn tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

"Đối với một số công ty mẹ - doanh nghiệp nhà nước có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu) phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nhưng các công ty mẹ vay vượt mức trần huy động vốn theo quy định là các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, do vậy khả năng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo", báo cáo cho biết.

Nợ khó đòi tăng 11%

Ngoài ra, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng các khoản phải thu là 338.327 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014.

Tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2015 là 12%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.715 tỉ đồng , tăng 11% so với năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu.

Báo cáo của Công ty mẹ, tổng nợ phải thu là 477.544 tỉ đồng tăng 16% so với năm 2014. Trong đó nợ phải thu khó đòi là 10.733 tỉ đồng , tăng 26% so với thực hiện năm 2014, chiếm 2,2% tổng số nợ phải thu.

"Việc theo dõi, ghi nhận và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 15.716 tỉ đồng", báo cáo cho biết.

Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) là Công ty mẹ - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (nợ phải thu 6.112 tỉ đồng, bằng 57%); Công ty mẹ - Tổng công ty Đông Bắc (nợ phải thu 5.783 tỉ đồng, bằng 75%); Công ty mẹ - Tổng công ty ĐTPT Đô thị và KCN Việt Nam (nợ phải thu 4.706 tỉ đồng, bằng 54%).

Hay Công ty mẹ - Tổng công ty 36 (nợ phải thu 2.727 tỉ đồng, bằng 51%); Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (nợ phải thu 1.759 tỉ đồng, bằng 61%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 1.637 tỉ đồng, bằng 52%)...

Một số Công ty mẹ có giá trị tuyệt đối của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2015 tăng cao so với năm 2014 như: Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai là 122,7 tỉ đồng (năm 2014 là 7,639 tỉ đồng); Công ty mẹ - TCT Thương mại Hà Nội là 81,486 tỉ đồng (năm 2014 là 28,652 tỉ đồng); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị là 31,437 tỉ đồng, (năm 2014 là 25,418 tỉ đồng).

Tuy nhiên báo cáo cũng nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đầy đủ để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVN, Vinacomin, Tập đoàn Hóa chất... dẫn đầu về vay nợ ngân hàng