Với Nghị định 71 vừa được ban hành, Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu không sẽ bị chặn.
Tại hội thảo văn hóa 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, một vài năm trở lại đây, việc ứng xử, quản lý, xử lý các vấn đề xuyên biên giới không còn khó khăn nữa vì chúng ta đã thay đổi từ nhận thức, đến ý chí và một số thể chế cũng đã được hoàn thiện.
"Cái khó ở đây là chúng ta không chủ trương cấm tuyệt đối. Cấm tiệt thì quá dễ, 30 phút là có thể cấm không còn Facebook, không còn YouTube trên đất nước chúng ta nữa. Nhưng chúng ta nhận thức đây là một sự tiến bộ về mặt công nghệ, mang lại nhiều cái tốt cho xã hội nên buộc phải "gạn đục, khơi trong".
“Ngăn chặn thông tin xấu độc thời gian qua của các cơ quan đã đạt được những kết quả nhất định và thời gian tới hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không phải thông tin lên mạng rồi mới ngăn chặn”, ông Lâm nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết hiện khó khăn nhất là các cơ quan chưa nắm được tập quán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới khi mà các nền tảng này khi vào Việt Nam có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc, điều này làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu. Do đó, các cơ quan cần có thêm thời gian để nhận diện xác định đúng vấn đề này, từ đó có biện pháp chống, hướng đến thay đổi tập quán, hướng đến gợi ý thông tin tốt đang có rất nhiều.
“Tới đây chúng ta sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược, những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước. Với Nghị định 71 vừa được ban hành, chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì sẽ bị chặn”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải tạo ra một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam tuân thủ pháp luật. Đồng thời mang nguồn lực với thế mạnh của chính họ để đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, sau đó lại phân phối phát lên trên những nền tảng của họ, không phải chỉ cho trong nước xem mà cho cả thế giới xem.
“Ở đây bài toán đặt ra là chúng ta phải hợp tác và đấu tranh, cái khó ở chỗ đấy thôi chứ còn không phải là cái khó về thể chế, về phương pháp làm nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Lâm, trong năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất ti vi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam sẽ phải cài sẵn tất cả những ứng dụng cung cấp nội dung báo chí, truyền hình hợp pháp, có giấy phép và không được nghiễm nhiên cài đặt những ứng dụng, hoặc là trên điều khiển từ xa.
“Thói quen đọc, xem, nghe của người dùng bây giờ đã rất thay đổi. Người ta cầm điều khiển xem ti vi hay lướt mạng là quyền của người ta. Vậy nên mình phải tạo cho người ta hành vi trở thành thói quen là bấm xem những nội dung tử tế. Việc này chúng tôi sẽ tiến hành trong năm tới", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phân tích.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh vừa được thông qua là một trong những luật điện ảnh tiến bộ nhất trong nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới, với nhiều quy định mới về lưu trữ số, việc tổ chức liên hoan phim, tuần phim… và nhiều vấn đề khác để huy động nguồn lực phát triển điện ảnh.
Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm là tiền kiểm – hậu kiểm. Tại luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới giảm bớt tiền kiểm, gia tăng hậu kiểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý và phát triển ngành điện ảnh.